Hình ảnh con lợn trong ca dao, tục ngữ

Ca dao tục ngữ thường đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, đặc biệt là xã hội, gia đình và tình yêu. Hình tượng con 'Heo' hay 'Lợn' cũng thường được lấy làm biểu tượng cho các quan hệ trong cuộc sống.

Để thể hiện sự giàu có sung túc qua các lễ hội, đám đình dân gian Việt đã đặt ra bài ca dao sau đây:

"Anh là con trai nhà nghèo

Nàng mà thách thế anh liều anh lo

Cưới em anh nghĩ cũng lo

Con lợn chẳng có, con bò thì không...".

Cũng có những câu ca dao khen tặng sự khéo léo, chăn nuôi quanh năm hay làm ăn thành công của những gia đình nông dân:

"Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn

Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm."

Hay: "Giàu lợn nái, lãi gà con".

Nuôi lợn để đem bán là một sinh kế của giới nông dân Việt. Lắm khi chẳng được gì nên từ đó cũng nẩy sinh ra những câu ca dao đùa cợt cảnh mấy bà gánh heo đi rồi lại gánh về:

"Ba bà đi bán lợn con

Bán đi chẳng được lon ton chạy về

Ba bà đi bán lợn sề

Bán đi chẳng được chạy về lon ton".

Người phụ nữ Việt Nam xưa nay giỏi trên nhiều phương diện, nhất là lo cho gia đình chồng con. Để diễn tả sự khó nhọc, bổn phận làm vợ và khả năng đa diện của người đàn bà Việt, ca dao có câu:

"Đang khi lửa tắt cơm sôi

Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem

Bây giờ lửa đã cháy rồi

Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm"

Hoặc để ám chỉ sự giàu có của ai đó:

"Cồng cộc bắt cá dưới bàu

Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo".

Lắm khi cha mẹ phải vắng nhà, giao cho con trẻ trông coi. Khi về nhà thì hỡi ơi, nhiều chuyện bất ngờ xảy ra và ca dao Việt đã ví von kể lại chuyện này, nhẹ nhàng nhưng phản ảnh rõ nét sự ngây thơ của trẻ con:

"Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà.

Bao nhiêu củ rím củ hà

Để cho con lợn con gà nó ăn".

Nhằm trách khéo những người mẹ nghèo muốn con gái mình lấy chồng giàu nên bố mẹ đã ép duyên con và đưa đến những chuyện không may như sau:

"Mẹ em tham thúng xôi dền

Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.

Em đã bảo mẹ rằng đừng

Mẹ lườm mẹ nguýt mẹ bưng ngay vào

Bây giờ chồng thấp vợ cao

Như đôi đũa lệch so sao cho bằng".

Thay vì nói rõ ra mình muốn gì, ca dao Việt thâm thúy hơn mượn hình ảnh con lợn để diễn tả ý nghĩ thầm kín đó, nên có câu:

"Trông mặt mà bắt hình dong

Con lợn có béo thì lòng mới ngon"

Cũng có câu ca dao trách khéo sự thiên vị như:

"Mèo theo thịt mỡ ồn ào

Cọp tha con lợn thì nào thấy chi!"

Tỏ tình là cả một nghệ thuật, thông thường mấy chàng văn hoa bóng bẩy nhưng cũng có người mượn con lợn làm phương tiện diễn đạt. Hãy nghe anh chàng tìm cách làm quen, bày tỏ:

"Cô kia đi chợ Hà Đông

Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi

Anh đi chưa biết mua gì

Hay mua con lợn phòng khi cheo làng".

Đặc biệt ca dao cũng là phương tiện để những chàng trai tìm cách tán tỉnh thiếu nữ. Nhiều anh chàng tỏ tình kín đáo, khéo nói:

"Tình cờ bắt gặp nàng đây

Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần

May xong anh trả tiền công

Bao giờ lấy chồng anh đỡ vốn cho

Anh giúp một thúng xôi vò

Một con lợn béo một vò rượu tăm...

Anh giúp đôi chiếu em nằm

Đôi chăn em đắm đôi chằm em đeo

Anh giúp quan tám tiền cheo...".

Hoặc than thân trách phận vì không cưới được người yêu giống như cảnh con heo bị chủ bỏ đói để rồi mừng rỡ khi ước mơ thành sự thật:

"Yêu nhau chả lấy được nhau

Con lợn bỏ đói buồng cau bỏ già

Bao giờ sum họp một nhà

Con lợn lại béo cau già lại non".

Không những chỉ nhẫn nại thôi mà người đàn bà Việt hy sinh cho chồng con. Lắm khi vì thương chồng phải gánh chịu nhiều cay đắng cho nên ca dao đã để lại những câu:

"Bởi vì con heo nên phải đèo khúc chuối, Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan, Bởi vì chàng nên thiếp phải chịu đòn oan Phụ mẫu nhà đay nghiến, thế gian chê cười".

Trong thi ca bình dân, heo được nhắc đến qua câu hò tiếng hát, mà chúng ta đã nghe dưới ánh trăng thanh, bên lũy tre xanh con đường làng bé nhỏ...

Em về thưa với mẹ cha

Bắt heo đi cưới, bắt gà đi cheo

Đầu heo lớn hơn đầu mèo

Làng ăn không hết, làng treo đầu đình

Ông xã đánh trống thình thình

Quan viên níu áo ra đình ăn cheo

Dưới chế độ phong kiến, cảnh đàn ông năm thê bảy thiếp, cho nên tâm tư của người đàn bà bình dân lúc nào cũng phảng phất chống đối hờn dỗi ghen tuông...

Làm cho cha mẹ vui lòng

Đèn lên đôi ngọn bá tòng xứng đôi

Một vợ nằm giường lèo

Hai vợ nằm chèo queo

Ba vợ ra chuồng heo mà nằm

Cuộc sống hôn nhân ở thôn quê không kiêu sa đài các, chỉ có ước mơ bé nhỏ trở thành vợ chồng thật đơn giản, lễ cưới không cần đầu heo mâm thịt, hay vàng bạc châu báu. Con heo đôi khi là một tài sản lớn của nhà nông nghèo! Họ chỉ cần một cặp vịt đôi bông làm sánh lễ, tình yêu không đến với con người bằng ý nghĩ lý luận mà bằng sự giao cảm giữa 2 con tim, đem lại nguồn sống thanh bần và chung thủy...

Người ta giàu thì đầu heo mâm thịt

Hai đứa mình nghèo thì cặp vịt đôi bông

Người ta thách lợn, thách gà

Nhà em thách cưới, một nhà khoai lang

Quanh năm trên đồng ruộng vườn rau, nên quan niệm về hôn nhân của giới bình dân đơn sơ, mộc mạc làm sao đủ tiền để nộp cheo cho làng khi "rước nàng về dinh". Lập gia đình so sánh giống như nuôi heo phải vớt bèo... hoặc chọn một người vợ phải xem dòng họ đó ra sao?

Nuôi heo thì phải vớt bèo

Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng

Lựa được một con dâu sâu con mắt

Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng

K.V (tổng hợp)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hinh-anh-con-lon-trong-ca-dao-tuc-ngu-86634.html