Hình ảnh: Chương trình giao lưu nghệ thuật 'Vang mãi bài ca tháng 10'

Đêm giao lưu nghệ thuật với chủ đề 'Vang mãi bài ca tháng Mười' tổ chức nhằm kỷ niệm '100 năm Cách mạng tháng Mười Nga' .

Để kỷ niệm “100 năm Cách mạng tháng Mười Nga” và nêu bật ảnh hưởng sâu sắc của sự kiện mang tầm vóc nhân loại đối với Cách mạng Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam và Trung tâm Văn hóa-Khoa học Nga tại Hà Nội tổ chức đêm giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Vang mãi bài ca tháng Mười” vào 20h tối 29/10 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân đến tham dự chương trình.

Cùng tham dự có lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các Ban, bộ, ngành; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Belarus tại Việt Nam.

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Vang mãi bài ca tháng Mười” gồm 2 phần: Phần I (Từ cách mạng tháng Mười Nga đến con đường Cách mạng Việt Nam), và Phần II (Giai điệu Việt - Nga) là tiếng nói nghĩa tình, là tình cảm của Việt Nam, của những con người Việt Nam đối với cuộc cách mạng đã lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

Cách mạng tháng Mười Nga là động lực mạnh mẽ cổ vũ các dân tộc thuộc địa đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, trong đó có Việt Nam.

Trong những năm kháng chiến, Liên Xô là nước giúp đỡ nhiều nhất cho Việt Nam, không chỉ hỗ trợ về vũ khí mà còn về tinh thần

Thông qua những phóng sự ngắn, những thước phim tư liệu, phần I “Vang mãi bài ca tháng Mười” đã cùng khán giả ôn lại quãng thời gian lịch sử hào hùng với những ký ức không thể nào phai.

Đặc biệt, trong phần 1 còn có màn giao lưu ngay tại sân khấu với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nga Kolesnik cùng các đồng chí cựu chiến binh Việt Nam đã cùng chiến đấu, công tác và từng là học trò của ông.

Ông Kolesnik chia sẻ: “Tôi đã cùng chiến đấu với họ từ 1965. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi sau khi chiến tranh chấm dứt năm 1975. Những năm đó, chúng tôi không có ranh giới ai là chỉ huy, ai là lính mà sống hòa thuận với nhau như gia đình. Tinh thần quốc tế vô sản của những người Liên Xô thời đó vẫn còn sống trong trái tim của tôi và tôi tin nó cũng sống trong lòng những người đồng sự Việt Nam”.

Ông Kolesnik tặng quà cho các đồng chí cựu chiến binh Việt Nam.

Phần II của “Vang mãi bài ca tháng Mười” tập trung thể hiện tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Nga - Việt bằng chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ 2 nước.

Trong đó có ca khúc viết cho thiếu nhi ý nghĩa như “Từ Radolip đến Pắc Bó” với hình ảnh túp lều cỏ của Lenin tại Radolip (LB Nga).

Đặc biệt hơn là sự góp mặt của ban nhạc Banzak đến từ đất nước Nga.

Những ca khúc ấn tượng với tình cảm trong sáng tràn hy vọng.

“Kachiusa”, bài hát quen thuộc và thân thiết của những người lính Việt Nam cho đến tận bây giờ.

Bên cạnh đó là những ca khúc thấm đẫm tình cảm Việt - Nga như: “Tình ca du mục” do ca sĩ Việt Hoàn thể hiện.

NSND Quang Thọ với ca khúc "Chiều Matxcova".

Ca sĩ Hiền Anh thể hiện ca khúc "Đôi bờ".

Ban nhạc Banzak đến từ đất nước Nga thể hiện các ca khúc như: “Giã biệt em gái Slavơ”, “Ôi-xa, hỡi chiến binh”, “Bước ra cánh đồng đêm cùng chiến mã”... mang lại cho chương trình và khán giả những xúc cảm Nga thực sự, với chất lượng nghệ thuật đỉnh cao và tình cảm gần gũi.

Với thời lượng gần 3 tiếng, “Vang mãi bài ca tháng Mười” không chỉ là một thước phim tài liệu ôn lại những ký ức lịch sử mà còn để lại cho khán giả những cảm xúc khó phai mờ./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/hinh-anh-chuong-trinh-giao-luu-nghe-thuat-vang-mai-bai-ca-thang-10-688961.vov