Hình ảnh ấn tượng trong thơ Trịnh Công Lộc

Bài thơ Mộ gió được phổ nhạc (nhạc Vũ Thiết, có tên Khúc tráng ca biển) có thể coi là tiêu biểu cho phong cách Trịnh Công Lộc: 'Mộ gió đây cứ từng hàng từng lớp/ Vẫn hùng binh giữ biển đảo xa khơi/ Là mộ gió cứ thổi hoài thổi mãi/ Thổi bùng lên những ngọn sóng ngang trời'.

Thơ cùng nhạc đã chắp cánh cho hình tượng bay vào vùng đón nhận của bạn đọc, tạo nên những hiệu ứng thẩm mỹ. Dù đã hy sinh thân thể mình cho Tổ quốc nhưng “mộ gió” những người lính vẫn còn, trở thành những “hùng binh”, tạo ra những “ngọn sóng ngang trời” để ngăn quân cướp biển... Bật ra một triết lý: Chết vì Tổ quốc là bất tử!

Tổ quốc trong thơ Trịnh Công Lộc như một cơ thể sống mà mỗi miền quê, mỗi thước biển, mỗi hòn đảo, mỗi người lính là một phần xương thịt, là máu, là da. Một nơi đau là cả cơ thể nhức nhối. Có những câu thơ đạt đến độ ám ảnh: "Những tạc đạn găm chìm thịt cát/ Trái gió, buốt đau xương cốt bến bờ". Không chỉ đau nơi đạn giặc bắn vào (găm chìm thịt cát) mà cả đất nước này đau (đau xương cốt bến bờ). Và: "Đảo thành cột máu/ Biển vẫn đây, sóng đổ về đâu/ Mây vẫn mây, gió thổi trên đầu/ Đảo vẫn khát, càng mưa càng khát/ Bao giờ nguôi với biển Hoàng Sa" (Khát với Hoàng Sa).

Chi tiết “cột máu” rất đắt. Hoàng Sa thành một cột mốc bằng máu trong tâm thức mỗi người dân Việt. Mỗi trái tim Việt khắc ghi lời thề, hôm nay, ngày mai chúng ta sẽ đòi lại một phần cơ thể thiêng liêng ấy và xây dựng hòn đảo máu thịt dấu yêu thành một cột mốc bằng vàng về chủ quyền đất nước sừng sững giữa Biển Đông. Còn đây là Trường Sa: "Trường Sa đấy, bốn bề dông bão/ Đón người ra với đảo, gửi niềm tin/ Song Tử-như trụ trời-bất tử/ Gọi ngàn xa, tung cánh bay về..." (Ngàn xa). Hai hòn đảo Song Tử Đông và Song Tử Tây được nâng thành biểu tượng “trụ trời-bất tử”. Trụ trời nâng đỡ bầu trời hòa bình, tự do, niềm tin và hy vọng!

Bài thơ Mở cõi Biển Đông đậm chất sử thi là một trường ca được cô ngắn lại đến mức tối thiểu về dung lượng câu chữ. Tựa vào những mẫu gốc huyền thoại tiêu biểu như Thần Trụ Trời, sự tích Mai An Tiêm, Bà Triệu Thị Trinh và sự kiện ở thời đánh Mỹ-những con tàu không số vượt biển vào Nam đuổi giặc... Bài thơ khái quát cả một lịch sử giữ nước anh hùng và gian nan nhưng vẫn sáng tạo ra những huyền thoại mới: "Mới sinh ra đã thành ngư lính/ Chống giặc nước, giặc trời, giặc giã Biển Đông/ Tiếng sóng gọi trùng trùng lay thức/ Còn vang xa, rừng rực bây giờ".

Có những câu thơ hay, gần gũi mà mới lạ, ấm áp, chân tình về biển: “Đêm xuống, biển thức dậy/ Giữa muôn trùng sao sa/ Sóng lên như thắp lửa/ Mang hơi ấm về nhà” (Biển đêm). Sóng bập bùng, ồn ào và xôn xao như lửa. Sóng còn là nguồn ấm đem sức sống cho mỗi ngôi nhà Việt... “Sóng lên như thắp lửa” là một sáng tạo mới trong so sánh dựa trên sự gần gũi của hai hình tượng, về âm thanh (sóng reo, lửa reo), về hình dáng (cùng có ngọn-ngọn lửa, ngọn sóng), về sự “bập bùng” nhảy múa,... Câu thơ gợi cảm giàu chất tạo hình, nhận thức thẩm mỹ về “sóng” được nâng lên một bước.

“Sao là mắt của biển/ Đảo là mắt trùng khơi/ Đăm đăm xa vời vợi/ Bao nỗi niềm biển ơi” (Biển đêm); “Khi bão tố, đảo thành mắt biển/ Hướng tầm xa lớp lớp đại dương/ Mắt biển ấy, khi gió yên biển lặng/ Bao nỗi niềm chất chứa yêu thương” (Mở cõi Biển Đông)... Câu “Sao là mắt của biển” có ý lạ nhưng thật, ai ra khơi dễ thấy biển trời như hòa vào nhau, sao như sa xuống biển, thành “mắt” của biển. Đến lượt mỗi hòn đảo như ngôi sao trên biển để quan sát, bảo vệ (Hướng tầm xa lớp lớp đại dương), để trìu mến, yêu thương (Bao nỗi niềm chất chứa yêu thương)...

Hình tượng “đỉnh núi” gợi lên sự hùng vĩ, cao cả, linh thiêng: “Mỗi tấc đất, đã bao nhiêu máu/ Thắm lên từng vách núi, ngọn cây/ Mỗi đỉnh núi, một bàn thờ Tổ quốc/ Ngát linh hương nghi ngút trời mây” (Đỉnh núi). Từ góc độ văn hóa tâm linh, nhà thơ có một phát hiện mới: Ngọn núi được nhìn như một bàn thờ Tổ quốc. Hình tượng được xây dựng dựa trên sự liên tưởng mây bay vờn trên đỉnh núi như khói hương. Với người Việt thì bàn thờ tổ tiên luôn được thành kính đặt nơi trang trọng nhất. Ẩn dụ mỗi đỉnh núi như một bàn thờ là cách thiêng liêng hóa đất đai Tổ quốc, như nhắc nhở mọi người mỗi ngọn núi, con sông đất nước mình cũng thiêng liêng như tổ tiên mình, hãy thành kính giữ gìn, bảo vệ.

THANH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/hinh-anh-an-tuong-trong-tho-trinh-cong-loc-609385