Hiểu việc để làm, rõ việc để rõ trách nhiệm

Năm 2018, có dịp tham dự Ngày hội Đại đoàn kết ở tỉnh Thái Bình, chúng tôi cảm nhận không khí của ngày hội thật vui tươi, ý nghĩa, ấm tình cộng đồng, đoàn kết... Ông Đặng Thanh Giang- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình đã chia sẻ với chúng tôi về công việc và tấm lòng của người Mặt trận.

Ông Đặng Thanh Giang.

Ông Đặng Thanh Giang cho biết, như các địa phương khác, đến nay tỉnh Thái Bình đã tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc được 15 năm. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và tăng cường trách nhiệm chủ trì, hướng dẫn của Mặt trận các cấp, việc tổ chức Ngày hội ở Thái Bình quy mô hơn, rộng khắp hơn, nội dung phong phú, thiết thực, ý nghĩa hơn, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự hơn. 100% KDC trong tỉnh đã tổ chức được Ngày hội. Trong Ngày hội, nhiều KDC còn tổ chức được “bữa cơm Đại đoàn kết”, mọi người, già trẻ, xa gần có dịp quây quần, tụ họp. Tinh thần đoàn kết, đồng thuận, tình cảm xóm giềng nhờ vậy được gìn giữ, nhân lên.

PV:Hoạt động của hệ thống Mặt trận tỉnh Thái Bình đang ngày càng thực chất, theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ “sản phẩm”. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Đặng Thanh Giang: Để hoạt động hiệu quả, ngoài nỗ lực của đội ngũ cán bộ trong hệ thống, công tác Mặt trận luôn luôn cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền. Chính vì vậy, một mặt - chúng tôi luôn bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Mặt trận Trung ương, mặt khác luôn luôn chú trọng, làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Mặt trận, tham mưu, đề xuất với HĐND, UBND có các cơ chế, chính sách, nhất là về kinh phí, giúp hoạt động của Mặt trận thuận lợi, hiệu quả hơn. Cũng xin chia sẻ, ở Thái Bình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND luôn quan tâm, tạo những điều kiện tốt nhất để Mặt trận hoạt động hiệu quả.

Quá trình hoạt động, chúng tôi cũng xác định rõ những nội dung trọng tâm, trọng điểm. Đến nay, toàn tỉnh Thái Bình đã có 237/264 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với những xã chưa đạt chuẩn, chúng tôi thực hiện tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân địa phương, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ mới, giúp các địa phương sớm về đích. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương ủng hộ về nguồn lực, chung sức hoàn thành các tiêu chí, hướng đến mục tiêu đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn.

Được biết, thời gian qua MTTQ tỉnh Thái Bình đã triển khai hiệu quả một số hoạt động giám sát, phản biện. Ông có thể cho biết cách thức, kinh nghiệm của MTTQ tỉnh Thái Bình?

-Trước khi thực hiện hoạt động giám sát nào đó, chúng tôi thường “ngồi lại” với Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh để cùng nhau rà soát, thống nhất nội dung giám sát của mỗi cơ quan, nhằm mục đích tránh sự chồng chéo về nội dung, thời gian và địa điểm giám sát, tránh phiền hà cho các địa phương, đơn vị được giám sát.

Trên cơ sở đó, MTTQ tỉnh chủ trì hiệp thương, tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Thông báo về nội dung giám sát của Mặt trận và các đoàn thể. Từ Thông báo của Tỉnh ủy, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí để thực hiện. Trước khi tổ chức các hoạt động giám sát ở địa phương, đơn vị nào đó, Mặt trận lại có văn bản thông báo tới UBND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền các địa phương, đơn vị phối hợp, tạo điều kiện.

Theo các bước này, trong năm 2018, MTTQ tỉnh đã triển khai được một số hoạt động giám sát, gồm: giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, về bảo vệ môi trường, về đảm bảo an toàn thực phẩm; giám sát việc bảo vệ môi trường của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, Nhà máy sản xuất Amonitrat...

Đối với hoạt động phản biện, vào tháng 11 hằng năm, MTTQ tỉnh có văn bản gửi các sở, ngành trong tỉnh đề nghị cho biết trong năm tới các sở, ngành sẽ tham mưu cho UBND tỉnh những đề án, kế hoạch gì, gửi cho Mặt trận và các đoàn thể chính trị nghiên cứu, tổ chức việc phản biện. Sau đó, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thế mạnh của từng tổ chức, Mặt trận chủ trì, phân công nhiệm vụ phản biện cho từng tổ chức.

Theo cách này, trong năm 2018, MTTQ tỉnh đã thực hiện phản biện Dự thảo “Đề án sắp xếp về số lượng, chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh” do Sở Nội vụ soạn thảo. Các tổ chức thành viên cũng có các hoạt động phản biện cụ thể. Đơn cử, Hội Phụ nữ tỉnh thực hiện phản biện Dự thảo “Đề án xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư” của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Để việc phản biện có chất lượng chúng tôi tranh thủ, phát huy vai trò, trí tuệ của thành viên các hội đồng tư vấn, vốn là những cán bộ đã có quá trình công tác, kinh nghiệm, uy tín...

Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Duy Hưng (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mat-tran/hieu-viec-de-lam-ro-viec-de-ro-trach-nhiem-tintuc427517