Hiểu về quyền sống theo tinh thần Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị

Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện...

Điều 6 Công ước ICCPR ghi nhận: "Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện". Quyền sống là “quyền cơ bản của con người mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia, cũng không thể bị vi phạm...”.

Quyền sống không nên hiểu theo nghĩa hẹp chỉ là sự toàn vẹn về tính mạng. Hơn thế, quyền này bao gồm cả những khía cạnh nhằm bảo đảm sự tồn tại của con người. Theo cách tiếp cận này, việc bảo đảm quyền sống còn đòi hỏi các quốc gia phải thực thi những biện pháp để làm giảm tỉ lệ chết ở trẻ em và tăng tuổi thọ bình quân của người dân, cụ thể như các biện pháp nhằm xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng và các dịch bệnh... tức là bao gồm cả các biện pháp thụ động và chủ động.

Một trong các nguy cơ phổ biến đe dọa quyền sống là chiến tranh và các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như diệt chủng hay tội phạm chống nhân loại. Vì vậy, việc chống chiến tranh và các tội phạm này cũng là sự bảo đảm quyền sống.

Các quốc gia thành viên cần tiến hành các biện pháp phòng chống và trừng trị việc tùy tiện tước đoạt tính mạng con người do bất kỳ chủ thể nào gây ra. Liên quan đến vấn đề này, việc bắt cóc người và đưa đi mất tích cũng bị coi là một trong những hình thức tước đoạt quyền sống, do đó, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ đưa ra những giải pháp hiệu quả để phòng chống và điều tra các vụ việc về bắt cóc, mất tích của cá nhân.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Về hình phạt tử hình và quyền sống, mặc dù ICPPR không bắt buộc các quốc gia thành viên phải xóa bỏ hình phạt này, tuy nhiên, các quốc gia có nghĩa vụ phải hạn chế sử dụng nó, cụ thể là chỉ được áp dụng hình phạt này với “những tội ác nghiêm trọng nhất”, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện và việc giới hạn áp dụng hình phạt này cũng được coi là một hình thức bảo đảm quyền sống.

Người bị kết án tử hình đều có quyền xin ân giảm hoặc xin thay đổi mức hình phạt. Việc ân xá, ân giảm hoặc chuyển đổi hình phạt tử hình có thể được áp dụng đối với mọi trường hợp. Không được phép tuyên án tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai.

Như vậy, việc ghi nhận quyền sống không đồng nghĩa với việc sẽ xóa bỏ hình phạt tử hình. ICCPR nêu rõ một giới hạn đó là, ở những nước mà hình phạt 8 tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng hình phạt này với những tội ác nghiêm trọng nhất.

Trong Bình luận chung số 6, Ủy ban Nhân quyền thấy rằng quyền sống được đề cập ở ngay đoạn đầu của Điều 6 Công ước là quyền tối cao không được phép ngừng áp dụng kể cả trong trường hợp khẩn cấp.

Đối chiếu các nội dung quan điểm bình luận của Ủy ban quyền con người về quyền sống, Hiến pháp và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan đến quyền sống về cơ bản phù hợp với các chuẩn mực nền theo quy định của Công ước ICCPR.

Điều 19 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng đã có các quy định nhằm bảo đảm quyền sống như: Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004... Ngoài ra, các văn bản dưới luật (Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư của các Bộ, ngành) cũng có những quy định bảo đảm quyền sống.

Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam quy định khá cụ thể để bảo đảm quyền của những người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người chấp hành án phạt tù trong quá trình tham gia tố tụng. Việc bắt người phải có quyết định của Tòa án, quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát. Một người chỉ bị coi là có tội khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật do Tòa án tuyên.

Về hình phạt tử hình, Bộ luật Hình sự Việt Nam đã từng bước được sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm số điều luật quy định hình phạt tử hình tại Bộ luật Hình sự từ 29 điều (chiếm tỷ lệ 11%) xuống còn 22 điều (chiếm tỉ lệ 8%). Biện pháp thi hành án tử hình được sửa đổi theo chiều hướng nhân đạo hơn, chuyển từ hình thức bắn sang tiêm thuốc.

Bộ luật Hình sự cũng đã thu hẹp các trường hợp được phép áp dụng hình phạt tử hình bằng việc bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình là phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử; quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình.

Mặc dù hình phạt tử hình được quy định áp dụng đối với 22 tội danh với 23 cấu thành tội phạm nhưng trên thực tế các Tòa án chủ yếu áp dụng đối với một số trường hợp phạm tội giết người và tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy.

Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng: (i) Giảm số lượng các tội danh có quy định hình phạt tử hình; (ii) Giảm các trường hợp phạm tội có thể áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội danh còn giữ lại hình phạt tử hình, đồng thời mở rộng đối tượng không áp dụng hình phạt tử 30 hình; (iii) Tiếp tục hoàn thiện quy định về không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/hieu-ve-quyen-song-theo-tinh-than-cong-uoc-quoc-te-ve-quyen-dan-su-va-chinh-tri-115901.html