Hiểu về dịch bệnh qua những cuốn sách

Một số cuốn sách viết về nguồn gốc, cách lây lan, mang tới cái nhìn sâu hơn về dịch bệnh.

Nguồn gốc dịch bệnh: Động vật, con người và đại dịch toàn cầu tiếp theo (Spillover: Animal Infection and the next human pandemics) của tác giả David Quammen. Cuốn sách mang đến góc nhìn khoa học về các mầm gây bệnh trên động vật, đôi khi lây truyền cho con người.

 Sách Nguồn gốc dịch bệnh. Ảnh: Medinsights.

Sách Nguồn gốc dịch bệnh. Ảnh: Medinsights.

Sách viết về virus, vi khuẩn, những sinh vật đơn bào gây bệnh trên động vật, nhưng đôi khi chúng thay đổi mục tiêu: Chuyển sang loài người.

Cuốn sách giúp chúng ta biết muôn vàn cách mầm bệnh có thể di chuyển từ vật chủ này sang vật chủ khác (qua phân, dịch tiết, chất nhầy và máu); những hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến phơi nhiễm (leo cây, uống nhựa chà là, ăn, chạm vào động vật đã chết). Các “đồng phạm” không cố ý, là những loài động vật mang mầm bệnh trước khi truyền cho người (lợn, chim, khỉ đột, dơi).

Quammen cũng đi tìm nguyên nhân của việc bệnh lây truyền từ động vật đến sinh vật khác đang có xu hướng tăng lên. Ông cho rằng dân số khổng lồ của loài người, lượng gia súc lớn, sự hủy diệt môi trường sống tự nhiên, hệ sinh thái bị phá vỡ… có thể biến thành sự trả thù của tự nhiên lên loài người.

Trước khi viết cuốn sách, tác giả có 5 năm theo chân các nhà khoa học đi đến Bangladesh, khu rừng ở Congo, trang trại chuột ở Trung Quốc, khu rừng ở ngoại ô New York (Mỹ), các phòng thí nghiệm sinh học cao cấp. Ông đã phỏng vấn những người sống sót và thu thập câu chuyện về những người đã chết, tìm tư liệu liên quan dịch bệnh.

Sách Dịch bệnh - Kẻ thù nguy hiểm nhất. Ảnh: Medinsights.

Dịch bệnh - Kẻ thù nguy hiểm nhất của hai tác giả Michael T. Osterholm và Mark Olshaker. Tác phẩm viết về các bệnh truyền nhiễm, các đại dịch trong thời đại ngày nay từ góc nhìn của chuyên gia dịch tễ.

Sách giúp người đọc tìm hiểu về các loại dịch bệnh tiêu biểu đã tác động lên nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử cho đến ngày nay như: Đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918, dịch hạch ở London, dịch SARS ở các nước Đông Nam Á với những nguy cơ và thách thức cấp bách nhất, qua đó đề xuất biện pháp có thể giải quyết các vấn đề của nhân loại.

Từ năm 2017, các tác giả đã dự đoán sẽ xảy ra đại dịch toàn cầu liên quan virus. Sự biến đổi nhanh chóng của vi sinh vật để thích nghi với môi trường, việc gia tăng chóng mặt về mặt dân số và các loài động vật sống gần con người trên hành tinh; sự di chuyển nhanh chóng, dễ dàng; sự vô tâm… đang khiến con người phải đối mặt với nguy cơ bùng nổ các dịch bệnh nguy hiểm lớn.

Sách Súng, vi trùng & thép. Ảnh: Y Nguyên.

Súng, vi trùng & thép là cuốn sách nổi tiếng của Jared Diamond. Bằng những kiến thức, lập luận sắc sảo, tác giả Diamond cho rằng vi trùng là một trong ba nhân tố quan trọng định hình trật tự thế giới ngày nay.

Từ động vật, vi trùng xâm nhập cơ thể con người, tiếp tục tiến hóa. Chúng lựa chọn những cá thể có hiệu năng cao nhất trong việc sinh con đẻ cái và giúp con cái của chúng phát tán đến những nơi thích hợp nhất để sống.

Nguy hại của vi trùng khi gây bệnh là ở chỗ nó truyền nhiễm dưới dạng đại dịch. Đầu tiên chúng phát tán nhanh chóng hữu hiệu từ người bị nhiễm sang người khỏe mạnh xung quanh, khiến toàn bộ quần thể bị nhiễm trong thời gian ngắn.

Tác giả Diamond cho rằng để có thể tồn tại được, bệnh truyền nhiễm cấp tính cần một quần thể người đủ đông, mật độ dân cư đủ cao để ngay tại thời điểm bệnh bắt đầu suy yếu lại có một lứa bệnh nhân dễ lây mới. Do đó, các bệnh truyền nhiễm này được gọi là “bệnh của đám đông”.

Những dòng di cư, các con đường thương mại quốc tế là cơ hội tốt của vi trùng. Bệnh truyền nhiễm lây lan, và có thể xóa sổ cả một bộ lạc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới một cộng đồng.

Ví dụ, trận dịch đáng sợ trong lịch sử loài người là dịch cúm làm chết 21 triệu người vào cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cái chết Đen (dịch đậu mùa) đã giết chết một phần tư dân số châu Âu từ năm 1342 đến năm 1352, ở một số thành phố, tỷ lệ chết lên tới 70%.

Y Nguyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hieu-ve-dich-benh-qua-nhung-cuon-sach-post1181403.html