Hiểu về Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị: Ba quyền có vị trí đặc biệt

Có ba quyền có vị trí đặc biệt trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), đó là: Quyền tự quyết, Quyền không phân biệt đối xử, Quyền của người thiểu số.

Quyền tập thể thuộc về các dân tộc

Quyền tự quyết được quy định tại Điều 1 Phần I của Công ước. Đây là một quyền tập thể thuộc về các dân tộc, có ý nghĩa đối với việc bảo đảm tất cả các quyền con người khác. Theo đó, Công ước công nhận quyền tự quyết của mọi dân tộc, bao gồm quyền được “tự do định đoạt thể chế chính trị và theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa” trong điều kiện thực tế của mình. Công nhận rằng quyền sinh kế của một dân tộc không bao giờ bị tước bỏ.

Để đạt được mục tiêu này, các dân tộc có quyền tự do sử dụng các nguồn lợi thiên nhiên của mình, miễn là không vi phạm những nghĩa vụ phát sinh từ sự hợp tác quốc tế về kinh tế, đặt căn bản trên quyền lợi hỗ tương và luật pháp quốc tế. Các quốc gia thành viên ký kết Công ước này, kể cả những quốc gia có trách nhiệm bảo hộ hay giám hộ các lãnh thổ khác, phải tôn trọng và xúc tiến việc thực thi quyền dân tộc tự quyết chiếu theo các điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc.

Quyền không phân biệt đối xử Quyền này được quy định tại Điều 2, Điều 3 và Điều 26 của Công ước. Đây là một nguyên tắc bao trùm, đòi hỏi bảo đảm khi thực hiện các quyền con người. Theo đó, Công ước yêu cầu các bên tham gia ký kết thực hiện các bước cần thiết để hiện thực hóa các quyền được công nhận trong Công ước, đồng thời trừng phạt và sửa chữa bất kỳ vi phạm nào trong quá khứ và hiện tại.

Các bên tham gia phải cam kết tôn trọng và bảo đảm thực thi những quyền được thừa nhận trong Công ước cho “tất cả mọi người sống trong lãnh thổ và thuộc thẩm quyền quốc gia, không phân biệt chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác”, 5 đồng thời ghi nhận nam, nữ được hưởng các quyền về dân sự và chính trị nêu trong Công ước một cách bình đẳng. Những quyền này “chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp khẩn cấp đe dọa đến sự tồn vong của một quốc gia” và ngay cả trong trường hợp đó cũng không tha thứ bất kỳ hành vi nào xâm phạm các quyền được sống, quyền không bị tra tấn và bị bắt làm nô lệ, quyền miễn trừ hồi tố, quyền được giữ nguyên chính kiến, quyền tự do tư tưởng - lương tâm và tôn giáo.

ảnh minh họa

ảnh minh họa

Được hưởng các quyền áp dụng chung cho mọi người

Theo Bình luận chung số 18, Ủy ban Nhân quyền giải thích thêm rằng không phân biệt đối xử, bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất cứ sự phân biệt nào là quy định tạo nên cơ sở và nguyên tắc chung trong việc bảo vệ quyền con người. Khoản 1 Điều 2 của Công ước yêu cầu các quốc gia phải tôn trọng và bảo đảm cho tất cả mọi người trong lãnh thổ và phạm vi tài phán của mình các quyền đã công nhận trong Công ước mà không có bất cứ sự phân biệt nào như về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, quốc tịch hay thành phần xã hội, tài sản, nguồn gốc hay các yếu tố khác.

Điều 26 không chỉ cho phép tất cả mọi người được bình đẳng trước pháp luật cũng như được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà còn nghiêm cấm bất cứ sự phân biệt đối xử nào theo luật và bảo đảm cho tất cả mọi người được bảo vệ một cách hiệu quả chống lại mọi sự phân biệt dựa trên bất cứ hình thức nào.

Ủy ban Nhân quyền cho rằng thuật ngữ “sự phân biệt”, như đã sử dụng trong Công ước, được hiểu là bao hàm bất cứ sự phân biệt, loại trừ, hạn chế hay thiên vị nào trên bất cứ lĩnh vực nào như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo chính trị hay quan điểm khác, quốc tịch hay thành phần xã hội, tài sản, nguồn gốc hay các vị thế khác mà có mục đích hoặc ảnh hưởng vô hiệu hóa hoặc làm suy giảm sự thừa nhận, sự hưởng thụ hay áp dụng các quyền và tự do cho tất cả mọi người trên cơ sở bình đẳng.

Quyền của người thiểu số, Điều 27 Công ước quy định về quyền của người thiểu số thuộc các nhóm thiểu số về sắc tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo. Quy định nêu rõ: “Ở những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền có đời sống văn hóa riêng, hoặc quyền sử dụng tiếng nói riêng”.

Theo Bình luận chung số 23, Ủy ban Nhân quyền giải thích rằng Điều 27 công nhận quyền của các nhóm thiểu số mà đang “hiện diện” ở một quốc gia. Xét bản chất và phạm vi các quyền trong điều này thì thuật ngữ “hiện diện” là không phù hợp đối với các cá nhân thuộc các nhóm thiểu số. Những quyền này hiểu một cách đơn giản là việc các cá nhân thuộc các nhóm thiểu số không bị loại trừ quyền hưởng thụ, một mình hoặc cùng với các thành viên khác của cộng đồng họ, nền văn hóa của riêng họ, thực hành tôn giáo và nói ngôn ngữ của cộng đồng họ.

Không thể phủ định quyền trong cộng đồng với các thành viên của nhóm, họ được hưởng nền văn hóa riêng, sinh hoạt tôn giáo và nói ngôn ngữ của mình. Không nhất thiết họ phải là công dân của quốc gia đó và họ cũng không cần phải đăng ký thường trú. Vì vậy, những người lao động nhập cư vào làm việc hay thậm chí những khách du lịch tạo nên nhóm người thiểu số trong một quốc gia cũng được hưởng các quyền theo Điều 27.

Ngoài ra, như bất cứ cá nhân nào khác trong lãnh thổ của một quốc gia, những thành viên của các nhóm thiểu số cũng được hưởng các quyền áp dụng chung cho mọi người, ví dụ như quyền tự do lập hội, tự do hội họp và tự do ngôn luận. Sự tồn tại của một nhóm thiểu số về dân tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ trong một quốc gia thành viên nào đó không phụ thuộc vào một quyết định của quốc gia đó mà phụ thuộc vào các yếu tố khách quan.

Đỗ Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hieu-ve-cong-uoc-quoc-te-ve-cac-quyen-dan-su-va-chinh-tri-ba-quyen-co-vi-tri-dac-biet-202900.html