Hiểu và nâng cao EQ cho giới trẻ

Những người EQ (trí tuệ cảm xúc) cao rất giàu tình cảm, luôn thấu hiểu, giúp đỡ mọi người xung quanh và được nhiều người yêu mến, tôn trọng. Do đó, cũng dễ nhận thấy những người EQ cao có khả năng thành công trong cuộc sống hơn.

Công việc bận rộn khiến tôi không còn thời gian cho các nền tảng mạng xã hội trong một thời gian dài. Cho đến một lần, tôi lân la trên các diễn đàn tâm lý dành cho giới trẻ thì thấy được một dòng chia sẻ cần lời khuyên đáng suy ngẫm của một bạn nam Gen Z:

"Thời đi học, trong đầu cháu có suy nghĩ chỉ cần học và học giỏi là đủ, vì thế cháu không có rèn luyện nhiều kỹ năng mềm cũng như không quan tâm đến cảm xúc bản thân mình nữa.

Đi làm được 1 năm cháu đã rất hối hận, cháu nhận ra mình rất khó để kiểm soát cảm xúc, khó thích nghi và thiếu kết nối với xã hội bên ngoài. Thậm chí lúc mệt mỏi, chịu áp lực của công việc, cháu cũng không có lấy một người bạn để chia sẻ vì bao năm cháu chỉ biết quanh quẩn bên thư viện, sách vở".

Có phải giới trẻ hiện nay đang bỏ quên chỉ số EQ?

Một thời gian có nghiên cứu về tâm lý học, tôi vô tình tìm thấy một điều tra nghiên cứu có kết quả thú vị. Theo Đại học Harvard, một kết quả nghiên cứu đưa ra nhận định rằng khả năng thành công trong cuộc đời của một người có 20% phụ thuộc vào chỉ số IQ, trong khi EQ (trí tuệ cảm xúc) chiếm tới 80%.

Liệu giới trẻ đã biết điều này chưa, có hiểu đúng cụm từ EQ hay chưa?

EQ là từ viết tắt của "Emotional Quotient", dịch ra tiếng Việt là "trí tuệ cảm xúc". Có thể hiểu đơn giản đây là khả năng nhận biết, hiểu và quản lý cảm xúc của chính mình và người khác, cũng như khả năng sử dụng cảm xúc để đưa ra các quyết định và tương tác xã hội một cách hiệu quả.

Chính bản thân cụm từ "trí tuệ cảm xúc" đã phản ánh rõ bản chất của chính nó, trí tuệ và cảm xúc thể hiện tính logic và liên quan chặt chẽ với nhau. Cảm xúc đi cùng trí tuệ và ngược lại. Sử dụng cảm xúc một cách có trí tuệ sẽ đem đến những lợi ích rất lớn cho mỗi cá nhân.

Một người có chỉ số IQ cao sẽ có những tư duy và tính toán một cách chuẩn xác, có thể bình tĩnh giải quyết những vấn đề ở tầm nhìn xa hơn và mang lại lợi ích chung.

Biểu hiện của phần lớn những người có chỉ số EQ cao là biết cách kiểm soát được cảm xúc của bản thân, nhận thức rõ và nói rõ được những từ ngữ diễn tả cảm xúc, cực kỳ linh hoạt và luôn luôn thích nghi với hoàn cảnh mới, rất quan tâm và luôn luôn mong muốn tìm hiểu mọi người xung quanh, biết cách tách cảm xúc của mình ra khỏi câu chuyện tiêu cực, tránh cảm giác bị căng thẳng và giận dữ...

Những người EQ cao rất giàu tình cảm, luôn thấu hiểu, giúp đỡ mọi người xung quanh và được nhiều người yêu mến, tôn trọng. Do đó, cũng dễ nhận thấy những người EQ cao có khả năng thành công trong cuộc sống hơn.

EQ ảnh hưởng tới việc kiểm soát cảm xúc và cả việc giao tiếp với người xung quanh, giúp tăng chỉ số hạnh phúc và thành công trong cuộc sống gia đình, giao thiệp bên ngoài và sự nghiệp. Nhận thức sớm tầm quan trọng và tìm cách nâng cao chỉ số EQ chính là cách tốt để phát triển bản thân.

Với giới trẻ, việc biết được cách kiểm soát kiểm xúc, tăng chỉ số EQ là vô cùng cần thiết. EQ được thể hiện chủ yếu trên hai phương diện là cảm xúc cá nhân và giao tiếp với các mối quan hệ xung quanh nên giải pháp cho vấn đề sẽ phải xuất phát từ bản thân của các bạn trẻ.

Học cách quản trị cảm xúc không có nghĩa phủ nhận mọi cảm xúc thật của bản thân

Chính bản thân giới trẻ phải hiểu được bản thân mình. Điểm mạnh của bản thân là gì? Thực sự hiểu rõ cảm xúc của chính mình? Có kiểm soát được cảm xúc đúng mực hay chưa?,... Hiểu được bản thân mới có thể dễ dàng đặt mình vào người khác để hiểu họ.

Trước tiên, để quản trị cảm xúc cá nhân, giới trẻ cần hiểu được những cảm xúc tức giận, hạnh phúc, vui mừng, buồn bã... có bên trong mình. Mỗi khi những cảm xúc này xuất hiện, được biểu hiện và thể hiện ra ngoài như thế nào.

Có thể chia ra thành hai nhóm cảm xúc là nhóm hạnh phúc, vui vẻ và nhóm tức giận, buồn bã. Với nhóm hạnh phúc, vui vẻ, các bạn trẻ nên thể hiện ra, không cần phải cố kìm nén. Tuy nhiên, lưu ý trong những trường hợp, môi trường đặc biệt thì vẫn nên giữ lại đến thời gian và thời điểm thích hợp.

Bên cạnh đó, nhóm tức giận, buồn bã thường mang hướng tiêu cực hơn. Theo nghiên cứu, một số phương pháp có thể giúp thoát khỏi cảm xúc tiêu cực mang lại hiệu quả có thể thử áp dụng, như là hít sâu, thở đều khi gặp căng thẳng. Việc trì hoãn sự khởi đầu của cảm xúc và chịu đựng trong 30 giây khi bản thân đang dần mất bình tĩnh có thể giúp trút bỏ một lượng lớn cảm xúc xấu.

Ông bà ta có câu "uốn lưỡi 7 lần trước khi nói", ý là cân nhắc kĩ ; bởi ngay lập tức phản ứng có thể không kiểm soát được hành vi và lời nói Nhưng việc cụ thể hóa của "uốn lưỡi 7 lần" có khi chỉ tóm gọn trong một cách: "Hãy nói điều thứ ba mình nghĩ". Ngoài ra, để rèn luyện cảm xúc, nâng cao EQ, cũng có thể rèn luyện tính kiên nhẫn, kiên trì học hỏi kỹ năng xử lý tình huống qua sách, báo, các lớp kỹ năng sống…

Giới trẻ cũng cần quan tâm đến cảm xúc của người khác

Với việc giao tiếp với người xung quanh, nên chú ý nhận thức được ý nghĩ, cảm xúc của người đang trò chuyện cùng. Hãy thật sự lắng nghe và hiểu những gì họ đang nói và đang muốn bày tỏ. Điều đó là sự tôn trọng với họ. Và tất nhiên, không phải ai cũng có thể chọn đúng người để tâm sự và chia sẻ.

Thêm yếu tố quan trọng là trong một cuộc trò chuyện, cần phải quan tâm đến cảm xúc của người khác. Giao tiếp là tương tác hai chiều, nhưng nhiều khi, vì quá tập trung vào bản thân mà người nói quên không cho người còn lại cơ hội nói. Hãy tập cách lắng nghe nhiều hơn và tránh tranh cãi vô ích. Đồng thời, trong bất kì hoàn cảnh gì đi nữa, đừng để người giao tiếp cùng phải xấu hổ trước đông người, hãy xem xét cảm xúc của họ để không làm cho họ khó xử. Nếu được hãy nói những lời tốt đẹp, khen ngợi người xung quanh; Bất cứ lời khen chân tình, thật lòng đều làm tăng tự tin, vui vẻ và tiếp thêm động lực cho người khác.

Có thể nói, quản trị cảm xúc cá nhân không phải là kìm nén, mà là điều chỉnh và biến đổi theo cách thích hợp. Phải học cách để biến đổi tất cả những sự tiêu cực khỏi chiều hướng xấu nhất. Cần nắm rõ, không phải quản trị cảm xúc sẽ là phủ nhận mọi cảm xúc thật của bản thân mà điều cần thiết là phải chấp nhận cảm xúc một cách chính xác và thẳng thắn. Chỉ khi cảm xúc của chính mình được quan tâm đúng cách, mới có thể quan tâm đến cảm xúc của người khác và xử lý tốt các mối quan hệ cá nhân.

Tiến sĩ khoa học giáo dục Phạm Hồng Bắc

Chuyên gia giáo dục Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục AES

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/hieu-va-nang-cao-eq-cho-gioi-tre-119240927154952418.htm