Hiệu ứng tuyên bố của ông Pompeo: Ukraine mất Crimea vĩnh viễn!

Ngoại trưởng Mỹ khuyên Kiev chấp nhận thực tế mất Crimea vĩnh viễn là món quà lớn mà Washington gửi tặng Moscow....

Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố sốc: Ukraine đã mất Ukraine vĩnh viễn

Trong những ngày qua, sự kiện Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bất ngờ tuyên bố Ukraine đã mất Crimea vĩnh viễn và khuyên Kiev hãy chấp nhận thực tế này, là một trong những sự kiện nóng thu hút sự chú ý dư luận quốc tế.

Xin nhắc lại là các phương tiện truyền thông Ukraine đã đưa tin rằng ông Pompeo đã đưa ra tuyên bố sốc như vậy tại một cuộc họp kín ở thủ đô Kiev trong ngày cuối cùng chuyến viếng thăm của ông tới Ukraine hồi tháng 1/2020.

Theo đó, lời tuyên bố là câu trả lời của Ngoại trưởng Mỹ với nhà hoạt động chính trị Crimean-Tatar Emin Dzhaparova khi thúc giục Mỹ cố giữ vấn đề Crimea trong chính sách đối ngoại của mình và đề nghị giúp tổ chức hội nghị về Crimea ở Washington.

“Crimea đã mất. Các bên trên thế giới đều hiểu thực tế này. Ukraine đã trao Crimea đi, chứ Nga không phải là nước có thể lấy đi bất cứ cái gì của ai đó”, câu trả lời của ông Mike Pompeo.

Mỹ-phương Tây có thể khép lại vấn đề Crimea, giúp Putin hoàn tất nước cờ

Mỹ-phương Tây có thể khép lại vấn đề Crimea, giúp Putin hoàn tất nước cờ

Vậy nhưng ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus lại khẳng với báo giới rằng Mỹ vẫn sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, vì Mỹ vẫn yêu cầu Nga trả lại Crimea cho Ukraine.

Sự mâu thuẫn đó khiến cho lời tuyên bố sốc của Ngoại trưởng Mike Pompeo về vấn đề Crimea bị nghi ngờ chỉ là sản phẩm của truyền thông lề trái và mạng xã hội không kiểm soát mà thôi.

Giáo sư chính trị học tại Đại học quốc gia Moscow Andrei Manoilo cho rằng, không có bằng chứng nào cho thấy ông Pompeo đã nói như thế. Đây chỉ là tin đồn thông qua các bức điện tín và mạng xã hội loan đến các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cựu Giám đốc CIA Mike Pompeo đã đưa ra lời tuyên bố sốc, nhưng không phải là tuyên bố chính thức. Phân tích một số khả năng và hiệu ứng, sẽ thấy giá trị của sự thật.

Thứ nhất, ông Mike Pompeo khuyên Ukraine chấp nhận thực tế mất vĩnh viễn Crimea hoàn toàn không có nghĩa là Mỹ công nhận việc Tổng thống Putin tái sát nhập bán đào này vào lãnh thổ nước Nga.

Điều này cũng rất phù hợp với tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ortagus, khi cho biếty Mỹ vẫn sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, vì Mỹ vẫn đang yêu cầu Nga trả lại Crimea cho Ukraine

Như vậy, lập trường của Mỹ về vấn đề Crimea không thay đổi, mà chỉ thay đổi về nhận thức, đó là chấp nhận thực tế thay vì ảo tưởng phi thực tế. Và như thế Kiev không thể "hờn trách" Washington được.

Thứ hai, việc Ngoại trưởng Mỹ thể hiện quan điểm một cách không chính thức về vấn đề Crimea, dù có gây sốc, nhưng không làm Kiev mất niềm tin vào Washington trong việc khai thác vấn đề Crimea để giúp Ukraine "Tây tiến".

Vì lời tuyên bố sốc của cựu Giám đốc CIA Mike Pompeo về việc Ukraine đã vĩnh viễn mất Crimea chỉ được xem là "lời nói vội trong lúc dâng trào cảm xúc" và đó được xem là lý do Kiev vẫn chưa có phản ứng chính thức nào.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, vấn đề không hẳn như vậy, bởi lời nói của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ luôn có sức nặng. Vấn đề là Kiev không mất niềm tin vào Washington khi Mỹ vẫn tiếp tục trừng phạt Nga vì vấn đề Crimea.

Sau khi Mike Pompeo tuyên bố gây sốc cho Kiev

Thứ ba, dù Washington và Kiev không xác nhận lời tuyên bố của ông Mike Pompeo, và thông tin chỉ được truyền thông lề trái loan tải, nhưng giới chính trị Nga lại khai thác và sử dụng nguồn thông tin này để thể hiện quan điểm.

Từ đại biểu Duma Quốc gia Nga đến Phái bộ thường trực của Crimea thuộc Văn Tổng thống Liên bang Nga đều đã nhìn nhận lời tuyên bố của ông Mike Pompeo là có thật và thực tế.

Dù có tư tưởng cứng rắn và cực đoan thế nào đi nữa, giới chính trị Nga cũng không thể mạo hiểm hợp pháp hóa tin tức của mạng xã hội và truyền thông lề trái, rồi lấy đó làm cơ sở thể hiện quan điểm của mình.

Mà phải "có lửa mới có khói". Và động thái của Washington và Kiev sau khi truyền thông Ukraine loan tải lời tuyên bố gây sốc của đương kim Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Crimea đã như một sự khẳng định là "có lửa" - nghĩa là Mike Pompeo có nói.

Hiệu ứng từ tuyên bố gây sốc của Mike Pompeo

Giới phân tích cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo về vấn đề Crimea không phải là lời nói vội, mà việc đưa ra lời tuyên bố gây sốc đã được cựu Giám đốc CIA - thậm chí cả chính quyền Trump - tính toán rất kỹ, từ nội dung đến cách thức.

Không phải ngẫu nhiên người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ lại đưa ra lời tuyên bố gây sốc với Kiev trong ngày cuối cùng trong chuyến thăm của ông tới Ukraine, khi mà những cuộc gặp chính thức, tuyên bố chính thức đã hoàn tất.

Bởi dù có sốc thì Kiev cũng không thể phản ứng và nếu có Kiev phản ứng thì cũng không thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả chuyến viếng thăm đặc biệt của Ngoại trưởng Mỹ tới Ukraine lần này.

Cũng không phải ngẫu nhiên người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ lại đưa ra tuyên bố bất lợi với Kiev nhưng lại có lợi cho Moscow ngay trước chuyến thăm "phá băng" tới Belarus và chuyến công du "khuấy động" vùng Trung Á.

Và trong trường hợp này, hiệu ứng của lời tuyên bố sốc chắc chắn có ảnh hưởng tới chuyến thăm "phá băng" và chuyến công du khuấy động của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, mà có thể nhận diện điều đó qua phản ứng của Moscow.

Đứng tại Minsk, cựu Giám đốc CIA Mike Pompeo khẳng định rằng Mỹ hoàn toàn có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu dầu của Belarus, nếu nước này chấp nhận một lựa chọn như vậy.

Nhờ Putin, Pompeo có thể làm tan băng tại Minsk

Rõ ràng, Washington đã tập trung vào cuộc "khủng hoảng dầu" giữa Nga và Belarus, mà được xem là nguồn cơn làm gia tăng sự lệch pha giữa Minsk với Moscow. Trong bối cảnh hiện nay, việc Minsk “chịu đèn” Washington hoàn toàn có thể xảy ra.

Vậy nhưng phản ứng của Nga trước sự kiện này, thông qua lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov, khiến cả dư luận lẫn công luận rất ngạc nhiên, chẳng khác nào Moscow và Washington đã có sự đồng thuận.

"Chúng tôi không thể và cũng không muốn bình luận về mối quan hệ giữa đối tác của chúng tôi với nước khác. Đây hoàn toàn thuộc về vấn đề chủ quyền của họ", ông Peskov tuyên bố, theo TASS.

Những gì diễn ra tiếp theo là Belarus phải mua dầu của Nga theo giá thị trường, chứ không còn được ưu đãi như trước nữa. Như vậy, có khác nào chính Moscow "chịu đèn" Washington, tạo cơ hội cho Mỹ sử dụng "công cụ dầu mỏ" để lôi kéo Belarus.

Còn trong chuyến công du "khuấy động" đến vùng Trung Á, cũng cho thấy cựu Giám đốc CIA Mike Pompeo không bị cựu điệp viên KGB Vladimir Putin "làm khó dễ", dù việc khuấy động chắc chắn gây bất lợi cho Nga.

Vì vậy, ông Pompeo được cho là rất tự tin về kết quả trong cuộc gặp với người đồng cấp của 5 quốc gia Trung Á là Kazakhstan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan ở thủ đô Tashkent của Uzbekistan.

Nhờ sự kiện này mà phần "công du Trung Á" của ông Pompeo được cho là gặt hái được kết quả cao hơn phần "công du châu Âu", cho dù đây là "miền đất lạ" với cựu Giám đốc CIA này, theo AP.

Như vậy, cả trong chuyến thăm "phá băng" lẫn chuyến công du "khuấy động", ông Mike Pompeo đã không phải trắng tay như John Bolton trong chuyến thăm "phá băng" đến Belarus và chuyến công du "khuấy động" đến Nam Caucasus hồi năm 2019.

Để Washington có được thành quả này, chắc chắc không thể phủ nhận có sự "giúp sức" của Moscow, mà để được Moscow "giúp sức" thì không thể phủ nhận tác động từ lời tuyên bố sốc của Mike Pompeo tại Kiev về vấn đề Crimea.

Có thể thấy, dù không công nhận việc Nga tái sát nhập Crimea, nhưng việc Ngoại trưởng Mike Pompeo khuyên Kiev cần chấp nhận thực tế đã mất vĩnh viễn bán đảo chiến lược này, được xem là món quà rất lớn mà Washington gửi tặng Moscow.

và khuấy động ở Trung Á

Thứ nhất, lời tuyên bố gây sốc của Mike Pompeo được xem là dấu mốc phôi thai cho việc Mỹ và phương Tây sẽ khép lại vấn đề Crimea trong tương lai theo cách có lợi cho Nga.

Thứ hai, lời tuyên bố gây sốc của Mike Pompeo có thể được nhận diện là sự "đánh tiếng" của Washington đối với Moscow về việc biến vấn đề Crimea thành công cụ đổi trao trong ngoại giao nước lớn Nga-Mỹ.

Cả hai hiệu ứng này đều có thể chấp nhận được với Moscow, vì nó tạo ra cơ hội cho Mỹ-phương Tây công nhận quy chế cuối cùng của Crimea. Ngược lại, Washington và đồng minh vẫn được hưởng lợi từ ý nghĩa địa chính trị của bán đảo chiến lược này.

Chưa biết vấn đề sẽ diễn tiến ra sao, chúng ta cùng chờ xem.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/hieu-ung-tuyen-bo-cua-ong-pompeo-ukraine-mat-crimea-vinh-vien-3396648/