Hiệu ứng từ các tuyển thủ quốc gia trong màu áo U-22 Việt Nam

Có bảy cầu thủ Việt Nam đã ghi 12 bàn thắng ở SEA Games 30 sau hai trận ra quân, trong đó hầu hết từng ăn cơm dài ngày trên đội tuyển quốc gia.

Thầy trò Park Hang-seo sau hai trận đại thắng U-22 Brunei 6-0 và Lào 6-1 vẫn giữ vững ngôi đầu bảng B, tiếp theo sau là hai đối thủ lớn Indonesia, Thái Lan cùng cạnh tranh hai vé vào bán kết. Trong bảng đấu có sáu đội này, Singapore, Lào và Brunei đều chỉ đóng vai lót đường.

Đáng chú ý, đội trẻ U-22 Việt Nam có hai tiền đạo ghi nhiều bàn thắng nhất SEA Games 30 tính đến thời điểm này là Hà Đức Chinh (ghi bốn bàn vào lưới Brunei) và Nguyễn Tiến Linh (ghi ba bàn vào lưới Lào).

Hà Đức Chinh đã ghi bốn bàn chỉ trong một trận đấu ở SEA Games 30. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Hà Đức Chinh đã ghi bốn bàn chỉ trong một trận đấu ở SEA Games 30. Ảnh: ANH PHƯƠNG

12 bàn thắng của Việt Nam do bảy cầu thủ khác nhau lập công, ngoài Tiến Linh và Hà Đức Chinh còn có Triệu Việt Hưng, Trọng Hùng, Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Quang Hải mỗi người đóng góp một bàn thắng. Và nếu trọng tài ở trận gặp Lào tinh tường hơn, Văn Hậu đã không bị tước một bàn thắng hợp lệ vì không rơi vào thế việt vị.

Những tay săn bàn của đội U-22 Việt Nam hơn hẳn nhiều đối thủ lớn ở kỳ SEA Games lần này là từng có suất chơi từ đội tuyển quốc gia. Phần lớn trong số họ còn là trụ cột yêu thích của HLV Park Hang-seo trong suốt hai năm qua gắn bó với các đội tuyển Việt Nam.

Bên cạnh đàn anh Trọng Hoàng 30 tuổi và Hùng Dũng 26 tuổi tăng cường cho đội U-22 tham dự SEA Games 30 theo điều lệ giải, các cầu thủ Tiến Linh, Trọng Hùng, đội trưởng Quang Hải cùng với Văn Hậu, Hoàng Đức, Thành Chung chỉ mới vừa tái nhập đội trẻ sau khi đá cho đội tuyển quốc gia ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á.

Tiền vệ lão tướng Hùng Dũng đã ghi tên mình trong danh sách ghi bàn...

... trong khi Văn Hậu dù chưa có bàn thắng vẫn có những đóng góp lớn cho lối chơi chung của đội tuyển U-22 Việt Nam. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Đấy là chưa kể Hà Đức Chinh, hai tiền vệ Triệu Việt Hưng, Thái Quý, thủ môn Bùi Tiến Dũng cũng từng góp mặt trên tuyển qua nhiều giai đoạn khác nhau nên rất hiểu ý đồng đội lẫn quen thuộc với cách chơi của thầy Park.

Lực lượng này chính là nòng cốt của tuyển U-22 Việt Nam mà ông thầy người Hàn Quốc đã dày công tính toán và gầy dựng từ vòng loại U-23 châu Á hồi tháng 3-2019 cho đến các trận giao hữu hoặc chính thức ở vòng loại cúp thế giới.

Một cách tính sâu xa khác nữa của thầy Park là khi ông lần lượt xoay vòng họ thi đấu cho chặng đường dài SEA Games rất cần đến sự ổn định của đội hình và tính quyết định trước mỗi đối thủ khác nhau. Có một điều rất dễ nhận thấy là sự góp mặt của các tuyển thủ quốc gia trong đội trẻ U-22 giúp cho cách chơi chung rất uyển chuyển và hiệu quả.

Chân sút Tiến Linh có duyên ghi bàn từ đội tuyển quốc gia cho đến U-22. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Lão tướng Trọng Hoàng như hồi xuân ở hàng lang phải với những pha tăng tốc và đi bóng mạnh mẽ cùng một vài lần kiến tạo cho đồng đội ghi bàn. Hùng Dũng sở trường đá tiền vệ phòng ngự trên tuyển nhưng khi thầy Park đưa sang cánh trái vẫn rất lợi hại với những cú đột phá vào giữa. Tiền vệ đội trưởng Quang Hải vẫn lạnh lùng và sắc sảo trong lúc Văn Hậu vượt trội các đồng nghiệp bên kia chiến tuyến từ sức mạnh đến kỹ năng lên công về thủ…

Rõ ràng đội tuyển U-22 Việt Nam đang sở hữu một đội hình đầy đặn và có chiều sâu vào bậc nhất so với nhiều đối thủ lớn ở SEA Games kỳ này. Cơ hội cho thầy trò Park Hang-seo đăng quang vì thế ngày càng gần hơn với niềm kỳ vọng của người yêu bóng đá Việt Nam.

NGỌC ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/sea-games-30-2019/cac-tuyen-thu-quoc-gia-no-sung-trong-mau-ao-u22-viet-nam-873788.html