Hiệu ứng 'Greta Thumberg'

Sau khi cô bé 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thumberg có một bài phát biểu đầy nhiệt huyết và gây ấn tượng mạnh trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 74 ở Mỹ vừa qua, phong trào chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu đã tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới.

Sau khi cô bé 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thumberg có một bài phát biểu đầy nhiệt huyết và gây ấn tượng mạnh trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 74 ở Mỹ vừa qua, phong trào chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu đã tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên hợp quốc cách đây ít hôm, nhà vận động chống biến đổi khí hậu người Thụy Điển, cô bé Greta Thumberg, 16 tuổi, đã cáo buộc các nhà lãnh đạo chưa hành động đủ để ứng phó với biến đổi khí hậu. Cô thẳng thắn chỉ trích: “Các ngài đã đánh cắp giấc mơ và tuổi thơ của tôi bằng những lời sáo rỗng”. Greta Thumberg kêu gọi thế giới “cần phải hành động ngay nếu muốn tránh những hậu quả tồi tệ nhất”. Trước đó, phong trào biểu tình vì môi trường mang tên “Những ngày thứ sáu vì tương lai” được cô phát động vào thứ 6 hằng tuần đã lan rộng ra khắp các nước, thu hút hàng triệu học sinh tham gia.

Tuy nhiên, làn sóng tuần hành bảo vệ hành tinh xanh đặc biệt sôi động trong những ngày gần đây, sau khi cô bé người Thụy Điển “cảnh tỉnh” cả thế giới bằng những thông điệp tại diễn đàn LHQ. Tại Canada, hơn 300.000 người tham gia cuộc biểu tình vì môi trường ở thành phố Montreal. Tại cuộc gặp Thủ tướng Canada G.Trudeau ở Montreal ngày 27-9, Greta Thumberg đã nói với ông Trudeau rằng Canada hành động chưa đủ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu này. Canada nằm trong nhóm 10 nước thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất. Đáp lại, Thủ tướng Trudeau tuyên bố nếu tái đắc cử, chính phủ của đảng Tự do sẽ trồng hai tỷ cây xanh trong 10 năm, giúp kiến tạo mỗi năm 3.500 việc làm thời vụ. Trước đó, đảng Tự do cam kết nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 10 tới, sẽ nỗ lực đưa lượng khí thải các-bon đi-ô-xít về mức 0 vào năm 2050.

Hiệu ứng “Greta Thumberg” cũng đã lan tỏa tại nhiều quốc gia khác vào cuối tuần qua. Tại Thụy Sĩ, khoảng 100.000 người đã diễu hành trong ngày 28-9 trên các đường phố ở Bơn kêu gọi hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu. Cuộc tuần hành này diễn ra chỉ ba tuần trước cuộc bầu cử Quốc hội. Trước đó, hơn 30.000 người ở thành phố La Hay (Hà Lan) đã tham gia cuộc tuần hành vì khí hậu, kêu gọi chính phủ thực hiện một chính sách khí hậu tham vọng hơn.

Không chỉ tạo ra các hiệu ứng tích cực trên đường phố, những thông điệp của Greta Thumberg cũng đã làm nóng diễn đàn thảo luận của các nhà lãnh đạo thế giới tham dự phiên tranh luận chung đang diễn ra trong khuôn khổ kỳ họp 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tại một phiên họp cuối tuần qua, Tổng thống Zambia E.Lungu tuyên bố: “Biến đổi khí hậu đang làm nản lòng những nỗ lực nhằm nâng cao điều kiện sống cho người nghèo trên thế giới. Tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi những nỗ lực hợp tác toàn cầu”. Trong khi đó, Tổng thống Gruzia S.Zourabichvili cảnh báo có những vùng đất đã biến thành sa mạc, bị nước biển xâm lấn hoặc bị các cơn bão tàn phá, như siêu bão tàn phá Bahamas hay cháy rừng ở Amazon vừa qua. Vì vậy, nhân loại cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình để hành động và bảo vệ Trái đất cho các thế hệ tương lai.

Ngay trước và trong khi phiên họp của LHQ bàn về chống biến đổi khí hậu diễn ra, nhiều quốc gia đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì các vấn đề môi trường do biến đổi khí hậu. Cuối tháng 9, Quốc hội Áo đã thông qua nghị quyết về tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp về khí hậu, đưa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển đất nước. Tại Nhật Bản, Hội đồng thành phố Iki thuộc tỉnh Nagasaki cũng ban hành “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”. Trong khi đó, Quốc hội Anh cũng vừa thông qua nghị quyết về “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”, trở thành cơ quan lập pháp đầu tiên trên thế giới tuyên bố tình trạng này. Theo các chuyên gia môi trường Mỹ, đến nay đã có hơn 1.000 chính quyền địa phương tại các thành phố và thị trấn trên khắp thế giới tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”.

Giới nghiên cứu cho rằng, biến đổi khí hậu cùng hành vi vô trách nhiệm của con người đang tàn phá nghiêm trọng các đại dương và đã đến lúc chống biến đổi khí hậu trở thành “việc cần làm ngay” của mọi chính phủ và mỗi cá nhân trên hành tinh này. Trong bản báo cáo đánh giá đặc biệt, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) vừa cảnh báo, kể từ năm 2005, mực nước biển đã dâng nhanh hơn 2,5 lần so với trong thế kỷ 20 và dự báo sẽ tăng nhanh hơn gấp bốn lần nữa vào năm 2100 nếu lượng khí thải các-bon đi-ô-xít tiếp tục không giảm.

Trong bối cảnh nêu trên, những thông điệp mạnh mẽ từ cô bé Greta Thumberg tới các nhà lãnh đạo thế giới cũng như mọi công dân trên toàn cầu đã được đón nhận và có tác động lan tỏa mạnh mẽ. Hy vọng rằng, những làn sóng tuần hành vì môi trường nêu trên sẽ sớm chuyển hóa thành các “làn sóng xanh” khi mọi chính phủ và công dân trên Trái đất cùng đồng lòng giảm khí thải, bảo vệ rừng, biển và trồng thêm cây xanh.

VIỆT TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41744402-hieu-ung-%E2%80%9Cgreta-thumberg%E2%80%9D.html