Hiệu trưởng trường sư phạm tâm tư về nghề: Thầy lo lắng, nhưng không bi quan

'Không ít người hỏi thầy, liệu với đồng lương ít ỏi, với công việc khó khăn có còn những học sinh mặn mà với nghề giáo? Kỳ lạ thay, rất ít câu hỏi, nền giáo dục sẽ về đâu nếu không có những người thầy tận tâm và giỏi giang với nghề nghiệp? Thầy lo lắng thực sự, nhưng thầy không bi quan'.

GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội phát biểu tại lễ bế giảng

GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội phát biểu tại lễ bế giảng

GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội – trải lòng như vậy với các sinh viên trong Lễ bế giảng và trao bằng cử nhân khoa học tốt nghiệp năm 2019 của trường diễn ra ngày 6/6.

Lý giải việc “không bi quan”, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng, chính các sinh viên đã cho mình niềm tin; các em là minh chứng cho một thế hệ nhà giáo mới, thế hệ trí thức mới.

“Quê thầy có nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, có dòng sông Bến Hải chia cắt đất nước suốt 20 năm ròng rã. Có rất nhiều nấm mộ chưa xác định được tên, hầu hết họ ngã xuống khi đang độ tuổi thanh xuân và mang vào lòng đất mẹ cả những khát khao cháy bỏng.

Thầy tin rằng, các em là những người luôn biết ơn và trách nhiệm. Vì vậy, thầy không bi quan, vì trước mặt thầy và còn nhiều hơn nữa những thanh niên dám xả thân vì thời cuộc, vì sự trường tồn và phát triển của dân tộc này” – thầy hiệu trưởng tâm sự trước học trò.

GS, hiệu trưởng cũng tin sinh viên của Trường ĐHSP Hà Nội và thế hệ thanh niên ngày nay, tất cả không chỉ sống cho riêng mình mà sẵn sàng dấn thân vì nghĩa lớn; vì chắc chắn các em nhận thức rằng, giáo dục là đòn bẩy, là động lực cho phát triển để mang lại hạnh phúc cho muôn nhà.

Ngoài cái ăn, cái mặc, con người còn có những đam mê và khát vọng, khát vọng của tuổi trẻ là cống hiến. Trách nhiệm của thế hệ đi trước là thổi bùng ngọn lửa trong trái tim của thế hệ sau, truyền đam mê cho họ để họ dốc sức dời non lấp bể vì một đất nước tự cường.

GS Nguyễn Văn Minh trao bằng cho các tân cử nhân

“Các em phải hành động để gắn kết và thay đổi. Các em phải dám nghĩ những điều lớn lao của đất nước, phải trăn trở với những lo toan của thời cuộc và định vị cho mình trọng trách đề dấn thân”. Nhấn mạnh điều này, GS Nguyễn Văn Minh mong các học trò đừng lười biếng, an phận và tự thỏa mãn.

Bởi, thời đại hiện đại đòi hỏi tính kỷ luật, năng suất tạo ra từ trí thông minh; phải nhận ra rằng, ta chưa thực sự đam mê, động lực từ bên ngoài khá lớn, nội lực của mình còn khiêm tốn lắm. Không ít em cứ khó là thoái thác, là đi tìm việc dễ; cũng không ít em an phận từ rất sớm, tự bằng lòng với những gì mình có được để qua ngày. Thiếu khát vọng tự thân thì sẽ không có động lực nội tại và dẫn đến không còn chí tiến thủ. Mong rằng ai đó còn chơi vơi trong đó thì sẽ đổi thay.

Thầy hiệu trưởng cũng mong các sinh viên chắt chiu thời gian và để dành cho tương lai, ở đó không chỉ có vườn hồng đầy hoa trái mà có cả những ngày nắng hạn, hanh khô; có những đêm đông giá buốt, nhưng bổn phận vinh quang của các em là đi để thay đổi cuộc đời.

“Sẽ là thầy cô giáo, sẽ là những trí thức, các em là những người tạo ra sự tiến bộ bằng hành động thông minh và tràn đầy nhân bản, những luồng gió mới bắt đầu, hãy đi vào tâm bão! Đi để khôn lớn và đi để thay đổi cuộc đời” – thầy Hiệu trưởng chia sẻ.

“Dạo rồi, rất nhiều người hỏi thầy về những vụ lùm xùm liên quan nhà giáo. Đau lắm các em ạ. Cho dù thiểu số cũng chạm đến lòng tự trọng, đến tâm can của chúng ta, làm hoen ố đi thanh danh nhà giáo. Lùm xùm đó bùng lên dữ dội bởi gió bão trong không gian mạng. Nhà trường, thầy cô đã cố gắng tất cả nhằm giúp các em định hình giá trị, và cuộc sống là cả một quá trình rèn luyện. Ai lơ là, ai thờ ơ, ai buông xuôi thì chắc hẳn sẽ vướng vào những điều không mong muốn. Nghề nghiệp và giá trị nghề nghiệp quan trọng lắm. Không yêu quý, chăm chút cho nghề mình thì làm sao làm tốt được”.

Chia sẻ của GS Nguyễn Văn Minh

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/hieu-truong-truong-su-pham-tam-tu-ve-nghe-thay-lo-lang-nhung-khong-bi-quan-4009033-v.html