Hiệu trưởng phải có vai trò, quyền hạn rõ ràng

Sáng 12/9, tiếp tục phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã diễn ra phiên thảo luận về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).

Về cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở GDĐH, một số đại biểu đề nghị quy định cơ cấu tổ chức, mô hình quản trị của cơ sở GDĐH phù hợp với loại hình, chức năng, quy mô, sứ mệnh; đề nghị không phân biệt về cơ cấu tổ chức của trường công lập và trường tư thục; cân nhắc việc cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài được tự quyết định về cơ cấu tổ chức; rà soát các thuật ngữ, quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ sở GDĐH cho phù hợp với quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng phân biệt hai loại hình cơ sở GDĐH là công lập và tư thục.

Trường tư thục được phân loại theo nguồn gốc chủ sở hữu vốn, gồm trường có vốn đầu tư trong nước và trường có vốn đầu tư nước ngoài, và theo tính chất hoạt động, gồm trường tư thục và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn)

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn)

Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã đưa ra mô hình cơ cấu tổ chức và cơ chế quản trị phù hợp với tính chất của từng loại hình cơ sở GDĐH theo hướng không phân biệt về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn, tên gọi của các thiết chế quản trị, quản lý giữa trường công lập và trường tư thục; không phân biệt về cơ cấu tổ chức giữa trường tư thục có vốn đầu tư trong nước và trường tư thục có vốn đầu tư nước ngoài cũng như rà soát các khái niệm, thuật ngữ, tên gọi của các tổ chức bên trong nhà trường cho phù hợp với quốc tế và thống nhất với các quy định trong các đạo luật chuyên ngành có liên quan.

Đối với ý kiến đề nghị quy định rõ vị trí pháp lý của Hội đồng trường; làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm và mối quan hệ giữa Hội đồng trường và các thiết chế khác; quy định cơ cấu thành viên Hội đồng, tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng trường và của Hiệu trưởng theo hướng mở, linh hoạt để có thể lựa chọn được nhiều ứng viên có đủ năng lực, uy tín, dự thảo Luật đã được chỉnh hlý thống nhất về tên gọi Hội đồng trường ở cả trường công lập và tư thục; phân biệt Hội đồng trường với Hội đồng đại học.

Theo đó, Hội đồng trường thực hiện quản trị nhà trường tông qua các trách nhiệm, quyền hạn được quy định cụ thể; Hiệu trưởng thực thi quyền quản lý, điều hành nhà trường trên cơ sở quy định pháp luật và theo các nghị quyết của Hội đồng trường, chịu sự giám sát của cơ quan này.

Các nội dung về nhiệm kỳ, nguyên tắc làm việc, cơ cấu và tỉ lệ thành viên Hội đồng trường; tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng trường cũng như yêu cầu về điều kiện bảo đảm hoạt động của Hội đồng trường, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của Hiệu trưởng… đều đã được đề cập rất chi tiết, cụ thể và phù hợp với tính chất của từng loại hình trường như trình bày trong Dự thảo Luật.

Để tạo điều kiện thu hút nhiều ứng viên có năng lực, tâm huyết tham gia quản trị, quản lý cơ sở GDĐH, Dự thảo Luật không quy định chi tiết về tiêu chuẩn, độ tuổi, số nhiệm kỳ liên tiếp của các chức danh Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng mà giao cho trường tự chủ quyết định theo quy chế tổ chức và hoạt động trên cơ sở phù hợp với quy định chung của pháp luật...

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Hội đồng trường hiện đang được quy định quá nhiều quyền và tự nhiên không làm rõ được vai trò đại diện pháp luật của Hiệu trưởng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Hiệu trưởng phải có vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, để đảm bảo tính thực quyền của Hội đồng trường nhưng cũng phải bảo đảm quyền và trách nhiệm của Hiệu trưởng trong quản lý và điều hành hoạt động của nhà trường, dự thảo Luật cần quy định nội dung này rõ hơn, hài hòa hơn, cụ thể các thực quyền của Hội đồng trường và thực quyền của Hiệu trưởng nhà trường.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mô hình quản trị của các trường đại học tư thục cũng cần quy định thêm cho rõ, đặc biệt là sự khác nhau giữa mô hình quản trị của đại học tư thục với mô hình quản trị của đại học tư thục phi lợi nhuận như thế nào.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hieu-truong-phai-co-vai-tro-quyen-han-ro-rang-79919.html