Hiệu trưởng lạm quyền, giáo viên bức xúc

Gần đây, Báo Nhân Dân liên tục nhận được đơn thư của một số giáo viên, nhân viên (GV, NV) đã và đang công tác tại một số trường mầm non (MN) của tỉnh Hải Dương, phản ánh việc họ đột ngột bị chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hoặc phải làm việc trong môi trường nhiều áp lực, có dấu hiệu bị trù dập. Qua xác minh đơn thư, chúng tôi nhận thấy những nội dung nêu trên là có cơ sở.

Từ sự tùy tiện trong tuyển dụng

Ngày 1-9-2008, Hiệu trưởng Trường MN Ngũ Hùng, xã Ngũ Hùng (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) Phạm Thị Lào (hiện đã thôi giữ chức) ký hợp đồng lao động (HÐLÐ) không xác định thời hạn đối với bà Vũ Thị Vân, trong đó nêu chức danh nghề nghiệp là giáo viên mầm non (GVMN) và công việc phải làm là chăm sóc, giáo dục trẻ MN. Ngày 30-8-2010, Hiệu trưởng Lào tiếp tục ký HÐLÐ không xác định thời hạn đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn với nội dung tương tự HÐLÐ đã ký với bà Vân.

Ðến ngày 31-12-2014, Hiệu trưởng Trường MN Ngũ Hùng Phạm Thị Dương (hiện cũng đã thôi giữ chức) ký quyết định chấm dứt HÐLÐ không xác định thời hạn đối với bà Nhàn và bà Vân với lý do hai bà không có trong định biên là GV, NV của trường. Kể từ ngày 1-1-2015, bà Vân và bà Nhàn được tiếp tục làm công việc nấu ăn tại trường nhưng dưới hình thức thuê việc, không có HÐLÐ, được trả tiền công 100 nghìn đồng/ngày.

Bà Vân và bà Nhàn cho rằng, nhà trường chấm dứt HÐLÐ không xác định thời hạn đối với hai bà là trái pháp luật, bởi lẽ hai bà không vi phạm nội quy, quy chế nhà trường, không vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tại thời điểm bị chấm dứt HÐLÐ, cả hai bà đang học hệ trung cấp sư phạm MN tại Trường cao đẳng Hải Dương, chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp.

Qua xác minh cho thấy, tại thời điểm ký HÐLÐ, bà Nhàn có bằng trung cấp nấu ăn, bà Vân có bằng đào tạo nghề kỹ thuật chế biến sản phẩm ăn uống và phục vụ. Ðối chiếu với các quy định tại Luật Giáo dục và Ðiều lệ trường MN thì bà Vân và bà Nhàn không đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn đối với chức danh GVMN. Mặt khác, công việc thực tế của bà Vân và bà Nhàn là nhân viên nấu ăn, chứ không phải là “chăm sóc, giáo dục trẻ MN” như HÐLÐ đã ghi.

Như vậy, việc Hiệu trưởng Phạm Thị Lào ký HÐLÐ không xác định thời hạn đối với bà Vân và bà Nhàn là không phù hợp quy định của pháp luật và không đúng với công việc thực tế. Tuy nhiên, đây là lỗi của người tuyển dụng, sử dụng lao động, người lao động không có lỗi. Do đó, khi phát hiện ra sai sót, lẽ ra Ban Giám hiệu Trường MN Ngũ Hùng phải có biện pháp xử lý, giải quyết ngay, đồng thời báo cáo cơ quan cấp trên xem xét để bảo đảm quyền lợi cho bà Vân, bà Nhàn.

Là HÐLÐ không xác định thời hạn cho nên nếu đơn phương chấm dứt HÐLÐ, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm báo trước cho người lao động ít nhất 45 ngày (khoản 2 Ðiều 38 Bộ luật Lao động). Nhưng trước khi chấm dứt HÐLÐ, Hiệu trưởng Dương không thông báo cho bà Vân và bà Nhàn biết như quy định. Mặt khác, tại thời điểm bị chấm dứt HÐLÐ, bà Nhàn và bà Vân đang học trung cấp sư phạm MN, chỉ còn vài tháng nữa sẽ tốt nghiệp. Có thể nói cách giải quyết như trên của Trường MN Ngũ Hùng là chưa thật sự vì quyền lợi của người lao động.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện Nhữ Văn Cúc; Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) huyện Trần Xuân Dần; Trưởng phòng Nội vụ huyện Trần Xuân Nghĩa đều cho rằng, HÐLÐ giữa Hiệu trưởng Trường MN Ngũ Hùng Phạm Thị Lào ký với bà Vân và bà Nhàn là hợp đồng không đúng đối tượng nghề nghiệp và không đúng với vị trí công tác thực tế. Việc Hiệu trưởng Phạm Thị Dương chấm dứt HÐLÐ đối với bà Vân và bà Nhàn là đúng quy định, tuy nhiên Hiệu trưởng Dương không thông báo trước 45 ngày là có sai sót.

“Quan điểm của chúng tôi là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Hiện nay, bà Vân và bà Nhàn đã có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm MN, nếu hai bà có đơn xin tiếp tục gắn bó với công tác giáo dục MN, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để hai bà tiếp tục cống hiến” - Chủ tịch huyện Nhữ Văn Cúc khẳng định.

Môi trường làm việc nhiều áp lực, có dấu hiệu trù dập giáo viên

Ðược công nhận là trường điểm cấp thành phố, được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, nhưng môi trường làm việc tại Trường MN Thạch Khôi, TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) đang tạo nhiều áp lực cho các GV, NV nhà trường, gây tâm lý bức xúc và tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp kéo dài trong thời gian qua.

Từ năm học 2014-2015, năm GV Trường MN Thạch Khôi đã ký đơn tập thể đề nghị Phòng GD và ÐT TP Hải Dương xác minh một số hành vi được cho là trái quy định của Hiệu trưởng Vũ Thị Chi trong công tác điều hành.

Theo phản ánh của cô giáo Nguyễn Thị Sim, dù mới đi làm trở lại sau khi sinh con nhưng cô đã bị Hiệu trưởng phân công làm phụ bếp, là công việc có phần nặng nhọc hơn đứng lớp. “Tôi xin được đứng lớp vì mới sinh mổ, sức khỏe còn yếu, nhưng Hiệu trưởng không đồng ý. Tôi phải viết đơn đề nghị Phòng GD và ÐT can thiệp để được làm đúng vị trí công việc, được đi muộn, về sớm 30 phút theo chế độ nuôi con nhỏ. Dù Phòng đã đồng ý, nhưng Hiệu trưởng lại không cho tôi trông trẻ buổi trưa, không được nghỉ trưa trong trường, không được làm thêm, khiến tôi phải đi lại nhiều lần mỗi ngày rất vất vả” - cô giáo Sim cho biết.

Kết quả kiểm tra, xác minh đơn thư của Phòng GD và ÐT thành phố Hải Dương cho thấy, một số nội dung GV phản ánh là có cơ sở. Việc đánh giá, xếp loại thi đua của cán bộ, GV, NV nhà trường chưa căn cứ vào kết quả thực tế, còn mang tính cảm quan, thiếu tính khách quan. Hội đồng thi đua không căn cứ vào kết quả thi đua hằng tháng của các tổ mà từng thành viên hội đồng cho điểm từng cán bộ, GV, NV và xếp thứ tự thi đua theo tổng điểm này. Việc phân công GV quản lý trẻ trong hè và trực giờ trưa chưa hợp lý, còn tập trung nhiều ở một số GV. Những nội dung còn lại hoặc chưa đủ căn cứ kết luận, hoặc không đúng.

Sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra, Hiệu trưởng Vũ Thị Chi chỉ bị phê bình, nhắc nhở. Trong khi đó, bốn trong số năm GV ký tên trong đơn đề nghị lại bị Hiệu trưởng kỷ luật bằng các hình thức hạ thi đua, khiển trách, cảnh cáo, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ với lý do ký đơn tập thể, gửi đến nơi không đúng thẩm quyền, một số nội dung không có căn cứ.

Năm học 2015-2016, cô giáo Sim tiếp tục có đơn gửi các cơ quan chức năng của thành phố Hải Dương và tỉnh Hải Dương đề nghị kiểm tra, xem xét việc bình bầu và xét thi đua của Trường MN Thạch Khôi do có dấu hiệu trù dập GV. Theo đơn phản ánh, năm học 2015-2016, cô Sim được phân công chủ nhiệm lớp trẻ ba tuổi, gồm 24 cháu. Nhưng cứ hết hai tuần đứng lớp, cô Sim lại bị điều chuyển xuống làm phụ bếp một thời gian. Hằng ngày cô phải chở khoảng 50 kg cơm và thức ăn bằng xe đạp đến điểm trường xa khu trung tâm, cho các cháu lớp nhà trẻ ăn, rồi dọn dẹp, rửa bát. Dù vất vả nhưng cô luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc. Tuy nhiên, cuối năm cô vẫn bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo phản ánh của một số GV khác, việc đánh giá xếp loại thi đua của trường là rất khắt khe. Nhiều lần GV, NV có con ốm hoặc gia đình có việc hiếu hỉ, xin phép nghỉ cũng không được giải quyết. GV cứ mắc lỗi là Hiệu trưởng yêu cầu lập biên bản ngay. Là GV đứng lớp nhưng họ phải thường xuyên thay nhau nấu cơm, rửa bát như một nhân viên nấu ăn. Từ năm 2013, trường tổ chức chăn nuôi lợn, gà, trồng rau trong khuôn viên trường học, GV, NV phải thay phiên nhau đi trồng rau, nuôi lợn, nhiều lớp thường xuyên chỉ có một GV đứng lớp (quy định là hai GV/lớp).

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Ðường cho biết: “Bố tôi mắc bệnh ung thư, hôm đó bệnh trở nặng, gia đình gọi tôi về gấp. Cô Hiệu trưởng không ở trường, tôi xin phép hai cô Hiệu phó cũng không đồng ý. Tôi phải tranh thủ chạy về nhà. Ngay sau đó, cô Hiệu trưởng yêu cầu tôi quay lại trường để lập biên bản với lý do rời vị trí làm việc. Từ năm 2011 đến 2014, ba năm liền tôi đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, là Chủ tịch Công đoàn trường, trong nguồn quy hoạch phó hiệu trưởng. Nhưng từ khi có ý kiến góp ý với Hiệu trưởng đến nay, năm nào tôi cũng chỉ được xếp loại hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ”.

Có thể nói, những quy định của Trường MN Thạch Khôi và cách thức chỉ đạo công việc, thái độ ứng xử của Hiệu trưởng Vũ Thị Chi đã và đang tạo nên một môi trường làm việc nặng nề, gây nhiều áp lực tâm lý cho các GV, NV. Việc phân công công việc chưa phù hợp, luân chuyển GV đứng lớp đi nấu ăn, tăng gia sản xuất đã làm ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi của GV và chất lượng giáo dục trẻ. Khi đó, GV phải làm việc quá cường độ, đồng thời số lượng GV đứng lớp luôn bị thiếu so với quy định. Thực tế đã có trường hợp trẻ bị ngã, chấn thương nặng, phải đi bệnh viện cấp cứu trong khoảng thời gian hai GV giao ca chuyển vị trí việc làm.

Làm việc với phóng viên, Trưởng phòng GD và ÐT thành phố Hải Dương Lê Thị Mỹ Phương cũng thừa nhận: Trường MN Thạch Khôi là trường điểm của TP Hải Dương, tuy nhiên đây cũng là đơn vị có nhiều đơn thư khiếu nại nhất trong ngành nguyên nhân một phần do Hiệu trưởng có cách quản lý cứng nhắc, không có sự uyển chuyển, phù hợp với từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể. “Ðể giữ ổn định trường, Phòng đã có ý kiến tham mưu Thành ủy luân chuyển Hiệu trưởng Chi tới trường khác” - Trưởng phòng GD và ÐT thành phố nói. Dư luận cho rằng, việc điều chuyển Hiệu trưởng Chi sang trường khác có thể tạo điều kiện ổn định nhà trường, tuy nhiên cần có hình thức xử lý thích hợp cũng như có biện pháp khắc phục những hậu quả đã gây ra trong quá trình điều hành nhà trường.

Nhiều năm qua, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường học, trong đó đề cao vai trò của hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục đã mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần tăng cường giám sát và có biện pháp điều chỉnh kịp thời, tránh tình trạng lạm quyền, vi phạm các quy định trong ngành giáo dục và bảo đảm quyền lợi chính đáng của GV, NV nhà trường.

Nhóm PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/36365802-hieu-truong-lam-quyen-giao-vien-buc-xuc.html