Hiểu thế nào về Ngọc phả Hùng Vương?

Nên hiểu thế nào về Ngọc phả Hùng Vương? Lẽ nào các vua Hùng sống đến 200 - 300 tuổi?

Ngay sau khi bài báo "Giải mã Ngọc phả Hùng Vương" được đăng lên Báo KH&ĐS, một số bạn đọc đã hỏi: Có lẽ nào các vị vua ngày xưa sống đến 200 - 300 tuổi. Thắc mắc của các bạn là hoàn toàn hợp lý. Vậy, chúng ta hiểu thế nào về Ngọc phả Hùng Vương, về tuổi tác và năm trị vì của các vị vua Hùng?

Lẽ nào các vua Hùng sống đến 200 - 300 tuổi?

Trước hết, khi tiếp cận Ngọc phả Hùng Vương, xin bạn hiểu cho một vấn đề cốt lõi: Ngọc phả không phải là lịch sử. Vì vậy, không thể đòi hỏi Ngọc phả chính xác như chính sử. Trên thế giới này, từ xưa đến nay chẳng ai sống đến 200 - 300 tuổi cả. Ngày nay, điều kiện sống cao hơn xưa nhiều, tuổi bình quân của con người đã lên đến 70 - 80 tuổi. Một số người trường thọ thì cũng chưa thấy ai sống quá 130 tuổi.

Ngày xưa, điều kiện sống còn khó khăn thì tuổi thọ trung bình của người dân còn thấp hơn nhiều. Theo tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, con người thời cổ đại có tuổi thọ trung bình là 20 - 30. Tuổi thọ của người Việt cổ của chúng ta chắc cũng xấp xỉ như thế, tức là chỉ bằng 1/10 số tuổi bình quân ghi trong Ngọc phả.

Vậy thì chúng ta hiểu thế nào về số tuổi và số năm trị vì của các đời vua Hùng?

Vấn đề này phụ thuộc vào việc xác định khung thời gian tồn tại của 18 đời vua Hùng. Tại sao vậy? Bởi vì hiện nay vẫn có hai quan điểm về khung thời gian tồn tại của các vua Hùng.

Ảnh minh họa.

Quan điểm của giới sử học

Quan điểm thứ nhất cho rằng, 18 đời vua Hùng tồn tại đến 2.622 năm. Căn cứ để tính khung thời gian này là Đại Việt sử ký toàn thư và Ngọc phả Hùng Vương. Nếu lấy 2.622 năm mà chia bình quân cho 18 đời thì trung bình mỗi đời vua là 145 năm. Một số nhà nghiên cứu giải thích rằng, không phải 18 đời vua mà là 18 ngành, trong mỗi ngành như vậy có đến mấy ông vua "nối dây" nhau. Vì vậy, tổng số không phải là 18 ông vua trị vì mà có đến 118 ông vua. Như vậy, trung bình mỗi ông vua trị vì cũng chỉ 22 năm, một con số có thể chấp nhận được.

Quan điểm thứ hai cho rằng, thực ra, 18 đời vua Hùng chỉ tồn tại trong hơn 400 năm. Căn cứ để tính khung thời gian này là Đại Việt sử lược (hay còn gọi là Việt sử lược), bộ sử sớm nhất của nước ta. Nguyên văn Đại Việt sử lược ghi như sau: "Đời vua Trang Vương nhà Chu (696 - 682 TCN) ở bộ Gia Ninh có người dị kỳ biết dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương". Nếu lấy niên đại cụ thể này, trừ đi năm Thục Phán được nhường ngôi (258 Tr.CN), thì khung thời gian của 18 đời vua Hùng là trên 400 năm, bình quân mỗi đời vua kéo dài 24 năm, con số này cũng là chấp nhận được.

Hiện nay, đa số các nhà nghiên cứu đồng tình với quan điểm thứ hai. Bởi vì, để hình thành một quốc gia thì đất nước đó, dân tộc đó phải có một trình độ kinh tế - kỹ thuật phát triển đến một mức độ nhất định. Theo kết quả khai quật Khảo cổ học thì cách đây 4.000 năm, chúng ta đang ở thời kỳ Văn hóa Phùng Nguyên, giai đoạn Hậu kỳ Đá mới. Thế mà, để tương ứng với khung thời gian tồn tại 2.622 năm của 18 đời vua Hùng thì đời vua Hùng đầu tiên còn phải xuất hiện trước Văn hóa Phùng Nguyên gần 1.000 năm nữa, tức là cách chúng ta ngày nay gần 5.000 năm. Một niên đại khó có thể chấp nhận! Thời kỳ Hùng Vương phải tương ứng với giai đoạn phát triển rực rỡ nhất: Thời đại đồ đồng, với những trống đồng, thạp đồng, qua đồng, vòng đồng, xuyến đồng nổi tiếng.

Theo Phan Duy Kha (Kiến Thức)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/hieu-the-nao-ve-ngoc-pha-hung-vuong-938733.html