Hiểu thế nào là 'nơi công cộng'?

Không ít vụ án có người gây rối, đánh nhau tưởng chừng đơn giản nhưng lại lấn cấn về kết quả xử lý do mỗi cấp tố tụng nhìn nhận khác nhau về nơi công cộng

Pháp luật xác định nơi công cộng là những địa điểm "kín" (rạp hát, rạp chiếu bóng...) hoặc "mở" (sân vận động, công viên, đường phố...). Ở đó, các hoạt động chung của xã hội diễn ra thường xuyên hoặc không thường xuyên. Tuy nhiên, những khái niệm tưởng chừng dễ hiểu, đơn giản này lại làm cho việc xét xử những vụ án có người gây rối, đánh nhau ở nơi công cộng nhiều lần phải hủy án, trả hồ sơ.

Nhìn nhận khác nhau

Điển hình là vụ án giết người trong quán karaoke (huyện Củ Chi, TP HCM) mà đối tượng Trịnh Bá Tuấn là hung thủ. Tuấn đã lãnh án tù chung thân về tội "Giết người", "Cố ý gây thương tích" nhưng một số đối tượng hưởng ứng tích cực vụ ẩu đả lại thoát tội ở giai đoạn điều tra, truy tố, lẫn 2 cấp xét xử. Đây là nguyên nhân VKSND Tối cao có kháng nghị đến tòa án cùng cấp. Cuối năm 2019, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tiếp nhận và tiến hành rà soát, xem xét nội dung kháng nghị liên quan đến 3 đối tượng, gồm: Phan Nhật An, Trần Minh Hải, Lê Long Trường có dấu hiệu phạm tội "Gây rối trật tự công cộng".

Tương tự tại huyện Bình Chánh (TP HCM), cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử tới, lui một vụ án mà không ít người nghĩ rằng rất đơn giản. Phan Huy Hoàng (SN 1980) cùng 4 đồng phạm xông vào hành hung, đập phá quầy thực phẩm của nhà hàng xóm khiến một người thương tật tỉ lệ 39%. Xử sơ thẩm, TAND huyện Bình Chánh phạt 5 bị cáo từ 6-9 tháng tù giam nhưng TAND TP tuyên hủy bản án trên. Cấp phúc thẩm nhận thấy xét xử các bị cáo tội "Gây rối trật tự công cộng" là không phù hợp. VKSND huyện Bình Chánh vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố tội danh trên. Lần này, tòa án cùng cấp trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.

Còn nhìn nhận khác nhau về "nơi công cộng"

Bộ Luật Hình sự 2015 nêu rõ gây rối trật tự công cộng là hành động gây mất an ninh trật tự, ách tắc giao thông khiến người khác hoang mang… Luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn Luật sư TP HCM) nhấn mạnh CQĐT không cần xác định mức độ thương tích khi xử lý sai phạm nói trên. Đối với những vụ ẩu đả, hỗn chiến, xác minh rõ về địa điểm xảy ra vụ việc là nghiệp vụ quan trọng nhất trong quá trình kết luận hành vi của từng đối tượng.

Thực tế từ những vụ án kể trên, mỗi cấp tố tụng nhìn nhận không giống nhau về nơi công cộng. Đơn cử, HĐXX phúc thẩm vụ án Phan Huy Hoàng và đồng phạm cho rằng 5 bị cáo gây hỗn loạn trước sân nhà. Đấy không phải là nơi công cộng nên không thể buộc tội "Gây rối trật tự công cộng" ở tình huống này. TAND TP nhận thấy hành vi phạm tội trong vụ án có dấu hiệu tội "Cố ý gây thương tích". Trong khi đó, cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới giải thích không thể tìm ra người trực tiếp gây ra thương tích nên đã truy tố, xét xử Hoàng và đồng phạm tội "Gây rối trật tự công cộng".

Trường hợp 3 thanh niên liên quan đến vụ hỗn chiến trong quán karaoke ở huyện Củ Chi, cơ quan công tố cho rằng địa điểm xảy ra vụ án là nơi sinh hoạt đông người. Theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP, hoạt động karaoke là dịch vụ văn hóa công cộng, địa điểm có thể là nơi công cộng hoặc khu vực sở hữu tư nhân. Ba thanh niên gây hỗn loạn, mất trật tự trong khu vực quán karaoke và họ chỉ dừng lại khi chủ quán cầm dao đến đuổi đi. Kháng nghị khẳng định cơ quan tư pháp cấp sơ thẩm và phúc thẩm không khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Nhật An, Trần Minh Hải, Lê Long Trường về hành vi gây rối trật tự công cộng là bỏ lọt tội phạm, làm cho việc giải quyết vụ án thiếu triệt để.

Giới hạn của việc xét xử

Điều 298 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 quy định giới hạn của việc xét xử:

- Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKSND truy tố và tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.

- Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKSND đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKSND đã truy tố.

- Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKSND truy tố, tòa án trả hồ sơ để VKSND truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu VKSND vẫn giữ tội danh đã truy tố thì tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn.

Bài và ảnh: Di Lâm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/hieu-the-nao-la-noi-cong-cong-20200219204147571.htm