Hiểu tập quán, biết ngôn ngữ để quản lý tốt bộ đội

Đóng quân và làm nhiệm vụ ở địa bàn biên giới, nên hằng năm chiến sĩ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) nhập ngũ vào Trung đoàn 82 (Quân khu 2) chiếm tỷ lệ cao.

Do có sự khác biệt về phong tục tập quán, ngôn ngữ và trình độ nhận thức… nên công tác quản lý, nắm tình hình tư tưởng bộ đội của đội ngũ cán bộ ở đơn vị gặp không ít khó khăn, nhất là cán bộ cấp phân đội. Để giải quyết khó khăn đó, trung đoàn đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Câu chuyện giữa Thượng úy Nguyễn Xuân Quế, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 82 với chiến sĩ đơn vị trong giờ giải lao của buổi học tập chính trị diễn ra không sôi nổi. Nguyên nhân, do một số chiến sĩ sử dụng tiếng của đồng DTTS để trao đổi với nhau; một số khác thì cho rằng không hiểu nhiều về nội dung bài giảng. Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng từ kết quả buổi trao đổi trên khiến Thượng úy Nguyễn Xuân Quế suy nghĩ khá nhiều. Theo Thượng tá Cao Xuân Thành, Chính ủy Trung đoàn 82: Đó cũng là trăn trở chung của đội ngũ cán bộ trong đơn vị, nhất là cán bộ cấp phân đội. Qua thực tiễn, trung đoàn thấy rõ những khó khăn mà cán bộ cấp phân đội gặp phải trong quản lý, nắm tình hình tư tưởng bộ đội con em đồng bào DTTS. Vì vậy, để từng bước khắc phục tình trạng trên, trước mỗi mùa huấn luyện, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 82 đều tổ chức các lớp tập huấn, tập trung giới thiệu những phong tục, tập quán, nét văn hóa của đồng bào DTTS cho đội ngũ cán bộ. Thông qua các lớp tập huấn, chỉ huy trung đoàn thống nhất phương pháp tiếp cận, xử lý các tình huống trong cuộc sống và công tác. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên cử cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng tiếng đồng bào DTTS do Quân khu 2 tổ chức; đồng thời phân công cán bộ trung đội, tiểu đội là người DTTS ở xen cùng các chiến sĩ. Trung đoàn còn mở lớp nâng cao trình độ văn hóa cho một số chiến sĩ là con em của đồng bào.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 82 trò chuyện trong giờ nghỉ.

Nhờ được tập huấn về phong tục tập quán của đồng bào các DTTS nên Thiếu úy Lê Đình Độ, Trung đội trưởng Trung đội 7, Đại đội 3, Tiểu đoàn 4 và Thượng úy Phạm Văn Lộc, Trung đội trưởng Trung đội 9, Đại đội 11, Tiểu đoàn 6, cũng như nhiều cán bộ cấp phân đội của trung đoàn đã tự tin trò chuyện với chiến sĩ bằng tiếng của đồng bào DTTS. Thiếu úy Lê Đình Độ chia sẻ: “Biết được phong tục tập quán và ngôn ngữ của các chiến sĩ giúp tôi hiểu bộ đội hơn, nhờ vậy mà kết quả công tác quản lý, huấn luyện được tốt hơn”.

Ở Trung đội 9, Đại đội 11, Tiểu đoàn 6, Trung sĩ Chảo A Sính, dân tộc Dao, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 8, quê xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhập ngũ được ít tháng, Chảo A Sính nhận được tin vợ ở nhà đưa con đi đâu không biết. Nắm được thông tin, chỉ huy đơn vị kịp thời động viên và giải quyết phép để Chảo A Sính về ổn định việc gia đình. Tuy nhiên, do chưa tìm thấy vợ và con, nên khi trở lại đơn vị, Chảo A Sính vẫn có nhiều biểu hiện về tư tưởng, không tập trung trong thực hiện nhiệm vụ. Vì thế, Đại úy Chu Huy Tập, Chính trị viên Đại đội 11 và Thượng úy Phạm Văn Lộc, Trung đội trưởng Trung đội 9, Đại đội 11 thường xuyên gặp gỡ, động viên Chảo A Sính. Anh Tập chia sẻ: “Quan sát mấy đêm, thấy Sính không ngủ được và bữa nào cũng không ăn hết suất cơm, chỉ huy đại đội thảo luận và thống nhất phối hợp cùng gia đình để động viên Sính. Chỉ huy đại đội cũng phân công cán bộ trực tiếp giúp đỡ, kèm cặp để Sính sớm vượt qua khó khăn. Nhờ sự kiên trì, tích cực của đội ngũ cán bộ, Chảo A Sính đã yên tâm tư tưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau khóa huấn luyện chiến sĩ mới, Chảo A Sính được cử đi đào tạo tiểu đội trưởng và hiện đang là “anh cả” ở Tiểu đội 8”.

Binh nhì Sao Văn Quỳnh ở Tiểu đội 2, Trung đội 8, Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, mới nhập ngũ được hai ngày thì nhận hung tin bố mất. Sau khi bố mất, Quỳnh có biểu hiện sống khép mình, ít tham gia hoặc không quan tâm đến các hoạt động chung của đơn vị. Qua gặp gỡ, trò chuyện, Thượng úy Nguyễn Xuân Quế, Chính trị viên Đại đội 3 được biết, từ khi bố mất, Quỳnh lúc nào cũng lo nghĩ cho mẹ ở nhà. Biết được băn khoăn của Quỳnh, chỉ huy đại đội đã phối hợp với gia đình để kịp thời động viên. Đặc biệt, được mẹ trực tiếp gọi điện trò chuyện, động viên cùng với sự yêu thương, đùm bọc, sẻ chia của cán bộ các cấp, Quỳnh từng bước xác định tốt trách nhiệm, tích cực học tập và tham gia các hoạt động ở đơn vị.

Quả thật, bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả, nên thời gian qua, chiến sĩ là con em đồng bào DTTS ở Trung đoàn 82 luôn yên tâm tư tưởng, gắn bó với đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: DUY THÀNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hieu-tap-quan-biet-ngon-ngu-de-quan-ly-tot-bo-doi-548063