Hiệu suất kinh ngạc của MANPADS Liên Xô ở Việt Nam

Trong chiến dịch Nguyễn Huệ mùa xuân năm 1972, tại miền Đông Nam Bộ, Quân giải phóng đã phóng 25 tên lửa Strela và bắn hạ tới 20 máy bay.

Trong một bài viết mới đây về việc hệ thống tên lửa phòng không vác vai mới nhất (MANPADS) “Verba” được quân đội Nga tiếp nhận, giới quân sự Nga cho biết, một loạt tổ hợp đã được chuyển đến một trong những đơn vị phòng không ở miền đông Siberia.

Theo các chuyên gia, đây là vũ khí phòng không cá nhân tối tân nhất hiện nay, có khả năng tác chiến vượt trội đáng kể so với sản phẩm phương Tây và thế hệ tiền nhiệm của Liên Xô như “Strela” và “Igla”.

MANPADS là phương tiện phòng không hiệu quả, tương đối rẻ tiền trang bị cho lực lượng mặt đất, đặc biệt là bộ binh. Nhờ đó, một chiến binh có thể bắn hạ chiếc máy bay trị giá hàng triệu dollars trong vài giây, giải cứu đồng đội trước cuộc oanh tạc trên không, hay thoát khỏi một cuộc tấn công trả đũa, ấn nấp theo các nếp gấp địa hình.

Xuất hiện từ những năm 1960, các hệ thống phòng không loại này đã làm thay đổi hẳn các quy tắc của chiến tranh. Nếu trước đó các phi công có thể oanh tạc ở độ cao thấp, thì với sự ra đời của MANPADS, các máy bay tầm thấp trở nên dễ bị tổn thương hơn nhiều.

MANPADS Liên Xô đầu tiên là “Strela-2”, do hai nhà thiết kế tài năng Boris Shavrynhin và Sergei Nepobedimy phát triển, được tiếp nhận vào năm 1968. “Strela -2” bắn trúng máy bay địch với xác suất gần như 100%, mặc dù có nhược điểm đáng kể là chỉ bắt được mục tiêu chỉ những hướng nhất định. Xạ thủ ngắm bắn vào phía đuôi máy bay, nghĩa là phi công có thể hoàn thành nhiệm vụ tấn công mặt đất, nhưng chiếc máy bay sẽ bị bắn hạ.

Ngay sau đó, tổ hợp đã được thử nghiệm trong các cuộc xung đột khu vực. Ngày 12 tháng 9 năm 1969, 10 chiếc máy bay F-4 Phantom của Israel bay qua Kênh đào Suez vào không phận Ai Cập. Những chiếc máy bay xấu số này bị Strela-2 bắt gặp và chỉ còn 4 chiếc có thể quay về căn cứ.

Nga đã kế thừa những kinh nghiệm chế tạo tên lửa phòng không vác vai thời Liên Xô

Nga đã kế thừa những kinh nghiệm chế tạo tên lửa phòng không vác vai thời Liên Xô

Nhưng những trải nghiệm thực tế mà người Mỹ gặp phải ở Việt Nam mới là đáng nhớ, khi máy bay Mỹ được thử sức với MANPADS Liên Xô.

Theo nhà sử học quân sự, chuyên gia trong lĩnh vực tên lửa phòng không là ông Igor Dyomchenko, cuộc làm quen đầu tiên của người Mỹ với “Strela” là vụ ném bom năm 1970, nhưng MANPADS Liên xô được sử dụng thực sự rộng rãi trong chiến dịch Nguyễn Huệ vào mùa xuân năm 1972, tại miền Đông Nam Bộ.

Các phi hành đoàn không quân Hoa Kỳ có rất ít cơ hội sống sót sau khi bị bắn trúng, ít nhất có 5 trường hợp F-4 “Phantom” Mỹ bị tên lửa “Strela” bắn hạ đã được ghi nhận.

Còn máy bay trực thăng thực tế không có cơ hội sống sót, đặc biệt là loại UH-1 “Iroquois” được bảo vệ yếu. Tuy nhiên, kể cả trực thăng tấn công tối tân AN-1 “Cobra” cũng không còn được an toàn.

Tổng cộng, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã thực hiện 25 lần phóng tên lửa Strela và bắn hạ tới 20 máy bay. Kết quả này là rất tốt nếu tính đến việc người điều khiển chỉ là các quân nhân Việt Nam mới được đào tạo và vẫn còn thiếu kinh nghiệm.

Trong cuộc chiến “Yom Kippur” ở Trung Đông mùa thu năm 1973, Ai Cập và Syria cũng sử dụng hệ thống này bắn hạ hơn 30 máy bay và trực thăng của Israel.

Những kinh nghiệm sử dụng “Strela-2” trong các cuộc chiến cục bộ, đặc biệt là việc cải thiện khả năng chống nhiễu, đã được các chuyên gia Liên Xô áp dụng vào việc chế tạo các tổ hợp phòng không vác vai thế hệ sau là “Strela-2M”, “Strela-3”, “Igla” và hiện nay là cả phiên bản MANPADS mới nhất là “Verba”.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/hieu-suat-kinh-ngac-cua-manpads-lien-xo-o-viet-nam-3409177/