Hiểu sai về cận thị: Đeo kính nhiều có khiến bạn bị phụ thuộc vào kính cận không?

'Cận thị thì đeo kính' - đây chắc chắn là câu trả lời của mọi người nếu nghĩ đến tật khúc xạ. Tuy nhiên đeo kính như thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết nên rất dễ gặp phải những hiểu sai về cận thị.

Nội dung:

1. Đeo kính nhiều sẽ bị phụ thuộc vào kính
2. Cận thị chỉ cần đeo kính khi phải nhìn xa
3. Chỉ chú ý mắt kính, không quan tâm đến chất lượng gọng kính
4. Tăng độ mắt nhưng không đi khám lại là hiểu sai về cận thị mọi người đều mắc phải
5. Khi mắc tật cận thị sẽ phải đeo kính suốt đời
6. Tự ý chữa tật cận thị tại nhà

Để tránh gây ra tác dụng ngược cho tật cận thị, hãy cùng tìm hiểu những hiểu sai về cận thị được chia sẻ qua bài viết dưới đây!

1. Đeo kính nhiều sẽ bị phụ thuộc vào kính

Khi bị cận thị mắt nhìn sẽ kém vì vậy cần đeo kính để tăng chức năng thị giác. Nếu người bị cận thị cố ý không đeo kính sẽ làm giảm chức năng thị giác, đặc biệt ở trẻ nhỏ dễ gây ra rối loạn phát triển thị giác hai mắt.

Học sinh nếu thường xuyên phải học tập trong môi trường không đủ ánh sáng, không đeo kính thường xuyên sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thị lực.

Do vậy, không nên hiểu sai về cận thị rằng đeo kính nhiều sẽ bị phụ thuộc vào kính nên không cần đeo kính khi bị cận.

2. Cận thị chỉ cần đeo kính khi phải nhìn xa

Nếu chỉ đeo kính khi phải nhìn xa sẽ gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến mắt, khiến tật cận thị ngày càng trở nên nặng hơn - Ảnh Internet

Nếu chỉ đeo kính khi phải nhìn xa sẽ gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến mắt, khiến tật cận thị ngày càng trở nên nặng hơn - Ảnh Internet

Nếu bạn vẫn đang giữ quan điểm rằng người mắc tật cận thị chỉ cần đeo kính khi nhìn xa, nhìn gần có thể không đeo cũng được thì đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Thực chất, mắt bị cận muốn nhìn rõ được vật phải đưa lại gần mắt hơn nhiều so với người bình thường. Đối với những trường hợp cận nặng càng cần đưa vật lại gần mắt hơn.

Vậy nên người mắc tật cận thị cần đeo kính thường xuyên để giúp chức năng của mắt trở về bình thường, nhìn xa rõ mà khi đưa vật lại gần cũng không cần đưa quá sát mắt nữa.

Ngoài ra, đeo kính và giữ khoảng cách đúng khi làm việc/học tập sẽ giúp mắt bạn không rơi vào tình trạng tăng độ do thói quen nhìn gần thường xuyên.

3. Chỉ chú ý mắt kính, không quan tâm đến chất lượng gọng kính

Có thể bạn cho rằng chất lượng mắt kính quan trọng và chất lượng gọng kính thì không. Tuy rằng đây không phải là quan điểm sai bởi nếu mắt kính có chất lượng tốt, chức năng chống tia cực tím, tia UV và chống chói lóa sẽ giúp bảo vệ mắt khỏe mạnh.

Nhưng bạn cũng cần lưu ý đến việc chọn gọng kính. Gọng kính phù hợp với gương mặt sẽ giúp bạn dễ chịu hơn, khoảng cách tới mắt kính phù hợp nhất là từ 12 đến 14mm.

Chưa kể, gọng kính còn làm tăng tính thẩm mỹ, tăng sự tự tin trong khi giao tiếp cho người đeo kính. Tìm hiểu thêm Tất cả những gì bạn cần biết trước khi quyết định đeo kính cận thị.

4. Tăng độ mắt nhưng không đi khám lại là hiểu sai về cận thị mọi người đều mắc phải

Rất nhiều người khi đeo kính một thời gian cảm thấy mắt bị mờ nhưng vẫn không đi khám mắt lại vì nghĩ vẫn còn nhìn được. Đây chính là lý do không nhỏ dẫn đến tật cận thị ngày càng tăng cao hơn. Rất nhiều người chấp nhận việc đeo kính cũ dù nhận ra mắt đã tăng độ.

Hiểu sai về cận thị là không cần đi khám mắt định kỳ, điều này khiến mắt tăng độ mà bạn không biết - Ảnh Internet

Tuy nhiên, bạn cần biết rằng nếu không đi khám mắt định kỳ và thường xuyên đeo kính thấp hơn so với độ cận có thể gây nhức mắt, khó chịu và tăng độ cận nhanh hơn.

Hậu quả nghiêm trọng hơn có thể là gây suy giảm thị lực. Vậy nên theo các bác sĩ, nên khám mắt định kỳ 6 tháng/lần để biết chính xác độ cận sau đó cắt mắt kính mới phù hợp.

5. Khi mắc tật cận thị sẽ phải đeo kính suốt đời

Quan điểm cần phải đeo kính suốt đời khi mắc cận thị chỉ đúng với Việt Nam cách đây 50 năm trở về trước. Ở thời điểm hiện tại, với sự phát triển của khoa học công nghệ và trình độ các bác sĩ. Việc phẫu thuật mắt trở nên đơn giản và an toàn hơn rất nhiều.

Khi đủ 18 tuổi người bị cận thị có thể đến các bệnh viện mắt uy tín để thăm khám và tư vấn các gói phẫu thuật mắt phù hợp với bản thân.

6. Tự ý chữa tật cận thị tại nhà

Cận thị là tật cần được điều trị từ bác sĩ chuyên khoa. Chỉ khi nhận được điều trị đúng thì tình trạng cận thị mới cải thiện. Không chỉ vậy, Chữa cận thị không đúng cách, tiền mất tật mang!

Áp dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị cận thị tại nhà không có tác dụng giảm độ cận thị mà chỉ giúp tăng cường sức khỏe mắt - Ảnh Internet

Hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều biện pháp điều trị cận thị tại nhà. Thực tế, những phương pháp này vẫn chưa được khoa học chứng minh.

Bản chất, biện pháp duy nhất đem lại hiệu quả khi bị cận thị là phẫu thuật tật khúc xạ. Trong khi đó, các bài tập về mắt chỉ có tác dụng giúp tăng cường sức khỏe mắt và hạn chế tình trạng tăng độ cận thị ở mắt chứ không có tác dụng điều trị cận thị.

Cận thị là tật gây nhiều ảnh hưởng đến tương lai và chất lượng cuộc sống của người mắc tật. Do đó, bạn cần chủ động thăm khám và đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa mắt để thăm khám 6 tháng một lần để phát hiện tật khúc xạ và kịp thời điều trị.

Nguyễn Hiền

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hieu-sai-ve-can-thi-deo-kinh-nhieu-co-khien-ban-bi-phu-thuoc-vao-kinh-can-khong-41202114113310233.htm