Hiểu rõ, hiểu đúng để tận dụng cơ hội, hạn chế rủi ro do FTA mang lại

Tại phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên' đã báo cáo kết quả giám sát.

Việt Nam đã ký kết 13 FTA

Theo đó, tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA. Trong số 13 FTA đã ký kết, có 12 FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam thuộc phạm vi của chuyên đề giám sát, bao gồm cả Hiệp định CPTPP. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.

“Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo”, Báo cáo giám sát nêu.

Cụ thể, từ năm 2004 đến nay, tốc độ tăng bình quân xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác thương mại FTA đều đạt mức 2 con số, trong đó, Chile, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ là 4 đối tác có tốc độ tăng trị giá xuất nhập khẩu trung bình năm cao hơn 20%. Tổng giá trị xuất nhập khẩu dịch vụ tăng 10,8%/năm trong giai đoạn 2005 - 2019. Trong đó, dịch vụ vận tải và du lịch là 2 ngành đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu dịch vụ, đồng thời chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất, nhập khẩu dịch vụ của cả nước.

Đến hết năm 2019, vốn đăng ký lũy kế các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực của nước ta là 362,58 tỷ USD, vốn thực hiện là 211,78 tỷ USD, bằng 58,4% vốn đăng ký. Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước ASEAN đạt 216,9 tỷ USD, chiếm 60% tổng vốn FDI đăng ký vào nước ta. Thu ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2001 - 2010, thu nội địa tăng khoảng 5,1 lần và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng khoảng 2,9 lần. Giai đoạn 2011 đến 2019, thu ngân sách Nhà nước tăng 2 lần, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 1,2 lần.

Việc tham gia các FTA còn tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo, cụ thể đối với việc tham gia CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 22.000 lao động.

 Phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Cơ hội đi kèm rủi ro và thách thức

Bên cạnh những kết quả trên, việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo những rủi ro và thách thức, nhất là năng lực cạnh tranh để tác động tăng trưởng kinh tế, có thể rủi ro đối với DN trong nước; thách thức về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như lao động, công đoàn, môi trường.

Từ những kết quả đã đạt được, những thách thức đặt ra trong quá trình thực thi FTA, Đoàn giám sát đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát công tác tổ chức thực hiện, kết quả, tác động của việc thực hiện các FTA, nhằm khai thác các lợi thế của FTA mang lại, cũng như hạn chế rủi ro, đảm bảo sự thành công, hiệu quả; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản luật, Nghị quyết của Quốc hội để nội luật hóa các cam kết trong FTA đúng theo lộ trình.

Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành; đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và DN là trung tâm; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; khuyến khích, hỗ trợ các DN và cá nhân thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và sản phẩm…

Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia, đặc biệt là cho các DN vừa và nhỏ về các cam kết cụ thể, bảo đảm hiểu rõ, hiểu đúng, vừa tận dụng những cơ hội FTA mang lại vừa hạn chế các rủi ro phát sinh, từ đó thực thi các hiệp định FTA thế hệ mới đầy đủ, hiệu quả.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, khôn khéo, kiên trì và kỳ công của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, đặc biệt là các đoàn đàm phán của Chính phủ trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hội nhập quốc tế, nhất là sự phối hợp chuẩn bị để việc đàm phán các FTA đạt được lợi ích cao nhất cho quốc gia, dân tộc.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hieu-ro-hieu-dung-de-tan-dung-co-hoi-han-che-rui-ro-do-fta-mang-lai-213886.html