Hiệu quả xóa mù chữ không cao

Theo nhận định của các đại biểu tại cuộc làm việc giữa một số bộ ngành với Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội vừa qua, Đề án Xóa mù chữ của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai được 5 năm nhưng hiệu quả chưa thực sự cao.

Cho ý kiến về kết quả thực hiện Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020 theo quyết định số 692/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu chỉ ra rằng, mặc dù đề án đã triển khai được 5 năm, tuy nhiên công tác xóa mù chữ vẫn chưa đạt được hiệu quả cao.

Cụ thể: ở một số địa phương công tác xóa mù chữ chưa được các cấp chính quyền thực sự quan tâm, nhận thức của người dân về công tác này còn hạn chế, chưa thấy rõ được vai trò và lợi ích của việc biết chữ đối với cuộc sống của cá nhân và sự phát triển chung của cộng đồng.

Sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và ngành giáo dục ở địa phương đối với công tác xóa mù chữ không còn thực sực ráo riết, quyết liệt như trước kia, thậm chí không coi trọng.

Vì vậy, theo các đại biểu đánh giá, hiệu quả xóa mù chữ không cao, kết quả xóa mù chữ không bền vững, hiện tượng tái mù chữ tăng đáng kể.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, công tác điều tra cơ bản số người mù chữ hàng năm của các địa phương chưa được coi trọng, số liệu báo cáo không cập nhật và chưa sát thực tế, ảnh hưởng đến việc xây dựng, ban hành các quyết sách phù hợp.

Hơn nữa, các đại biểu còn cho rằng, công tác vận động bà con tham gia lớp học xóa mù chữ và duy trì sĩ số vẫn chưa được quan tâm đúng mức; chưa nắm bắt được tâm lý những người mù chữ hiện nay chủ yếu là những người lớn tuổi, các dân tộc thiểu số, sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa nên ngại đi họ.

Hầu hết những người mù chữ lại thuộc các hộ nghèo, đời sống kinh tế khó khan do vậy việc lao động để kiếm sống đối với họ cấp bách hơn việc đi học xóa mù chữ; đồng bào dân tộc thiểu số sau khi biết chữ lại không có hoặc có ít cơ hội sử dụng tiếng Việt nên rất dễ tái mù.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Quochoi.vn)

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Quochoi.vn)

Ngoài ra, tại cuộc họp, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, sự phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể trong công tác xóa mù chữ ở địa phương chưa thực sực chặt chẽ, thường xuyên.

Mặc dù đã có những cam kết bằng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhưng mới có lực lượng bộ đội biên phòng, hội phụ nữ, hội khuyến học vào cuộc và tham gia phối hợp hiệu quả; các cơ quan đơn vị khác chưa có sự phối hợp kịp thời với ngành giáo dục để triển khai công tác xóa mù chữ.

Trên cơ sở nhận thức được những hạn chế nêu trên, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đã nêu rõ những kế hoạch sắp tới của Bộ để khắc phục những tồn tại này.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức xóa mù chữ cho người dân là vấn đề rất quan trọng. Theo Thứ trưởng đối với các vùng dân tộc thiểu số cần phát huy vai trò, uy tín của các già làng, trưởng bản trong việc tuyên truyền vận động người dân trong làng, trong bản chưa biết chữ đi học xóa mù chữ và duy trì sĩ số lớp.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo nêu rõ cần tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ choc án bộ, giáo viên trong và ngoài ngành giáo dục tham gia dạy xóa mù chữ; khuyến khích các địa phương có chế dộ, chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên tham gia xóa mù chữ thuộc các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn.

Củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tái mù chữ bằng cách phối hợp với thư viện, nhà văn hóa xã cung cấp sách, báo, tài liệu thiết thực cho người dân tạo môi trường học tập; tổ chức mô hình thư viện di động ở vùng sâu vùng xa.

Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng nhấn mạnh, tới đây Bộ sẽ làm tốt việc tổ chức điều tra và cập nhật, xử lý, báo cáo kết quả thống kê về công tác xóa mù chữ theo phần mềm quản lý xóa mù chữ chung của Bộ.

Trên cơ sở kết quả điều tra số người mù chữ trong độ tuổi 15-60, các địa phương xây dựng kế hoạch xóa mù chữ có tính khả thi, phù hợp thực tế; củng cố kết quả xóa mù chữ mức 1, từng bước nâng chuẩn biết chữ và chuẩn xóa mù chữ lên mức 2.

Đồng thời tổ chức các lớp học xóa mù chữ linh hoạt, phù hợp với các đối tượng người học khác nhau; đa dạng loại hình lớp học; địa điểm học linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, từng người học, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hieu-qua-xoa-mu-chu-khong-cao-78068.html