Hiệu quả vay vốn để thoát nghèo ở khu vực miền núi

Nhờ các nguồn vốn cho vay ưu đãi để phát triển kinh tế mà hàng ngàn hộ nghèo, đối tượng chính sách, nhất là bà con nông dân ở khu vực miền núi xứ Thanh đã và đang thoát nghèo bền vững.

Nhờ được vay vốn ưu đãi, người dân xã Thượng Ninh (Như Xuân) có điều kiện phát triển chăn nuôi, xóa đói, giảm nghèo.

Đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Nguyễn Hữu Sơn, thị trấn Vân Du (Thạch Thành) được biết, trước năm 2014, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Đầu năm 2015 ông được tư vấn vay 70 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Thạch Thành để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, kết hợp trồng rừng. Từ nguồn vốn này, ông Sơn đầu tư mua 2 con bò, 4 con lợn và trồng 1 ha cây keo lai. Được tập huấn kỹ thuật, gia đình chăm chỉ, chịu khó làm ăn đến nay mô hình của ông Sơn đã mở rộng gần 10 ha, bao gồm 1.000 gốc mít Thái, 900 cây bưởi, 3 ha dứa gai, 5 ha cây lâm nghiệp và 20 con bò, thu nhập bình quân của gia đình từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Còn gia đình chị Lê Thị Miến, xã Cát Vân (Như Xuân) được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện theo diện hộ nghèo. Năm 2004, chị vay vốn để phát triển chăn nuôi. Ban đầu mua 1 con nghé, 1 con bò và đầu tư xây dựng 1 trang trại tổng hợp để chăn nuôi kết hợp trồng keo, sắn, mía... Sau 15 năm cần cù lao động, đến nay, gia đình chị Miến đã có gần 20 con bò, 4 con trâu, hàng chục con lợn, 5 ha cây keo, 1 ha mía, thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng.

Để giúp hội viên phát triển kinh tế, nhất là những hộ nghèo, đến nay Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Thạch Thành đã cho 33 hộ vay vốn với số tiền gần 600 triệu đồng; 38 hộ vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương và của tỉnh với số tiền trên 2 tỷ đồng để phát triển các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, trồng mía tím, trồng dứa... Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Thạch Thành tiếp tục nhân rộng; chỉ đạo các hội cơ sở phát triển quỹ hỗ trợ nông dân, mở thêm lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để hội viên mở rộng các mô hình kinh tế trang trại, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Ở 11 huyện miền núi trong tỉnh, việc phát triển kinh tế gắn liền với nâng cao đời sống của người dân được coi là một trong những mục tiêu hàng đầu. Để hiện thực hóa nhiệm vụ này, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt hộ gia đình vùng khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, mở ra cơ hội mới để người dân làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Điển hình như NHCSXH huyện Quan Sơn đã mở rộng các hình thức cho vay, như: Cho hộ gia đình vay để phát triển sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; cho hộ nghèo vay làm nhà ở; học sinh, sinh viên để học tập; vay xuất khẩu lao động; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Đến hết năm 2018, NHCSXH huyện Quan Sơn đã thực hiện cho vay ủy thác thông qua các tổ chức hội, đoàn thể với dư nợ hơn 200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,6% trong tổng dư nợ tại ngân hàng. Tại NHCSXH huyện Ngọc Lặc thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua 17 chương trình cho vay. Trong đó, có một số chương trình như cho vay theo dự án phát triển lâm nghiệp (WB); cho vay đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV; cho vay giải quyết việc làm... Nhìn chung chất lượng tín dụng trên địa bàn huyện đến thời điểm hiện tại tương đối tốt, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,18%...

Với chính sách thiết thực, hiệu quả, chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất ở khu vực miền núi đã, đang phát huy vai trò tích cực, trở thành một trong những giải pháp quan trọng, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh: Xuân Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/hieu-qua-vay-von-de-thoat-ngheo-o-khu-vuc-mien-nui/99460.htm