Hiệu quả ứng dụng công nghệ cao sản xuất lúa nếp

Phú Tân là huyện cù lao của An Giang nằm giữa sông Tiền và sông Hậu có hệ thống đê bao khép kín của dự án Bắc Vàm Nao được Chính phủ Úc tài trợ.

Huyện Phú Tân sản xuất nếp nổi tiếng ở ĐBSCL

Dự án này gồm 100km đê vành đai và 300km đê nội đồng. Chức năng chính của hệ thống đê bao là ngăn nước lũ bảo vệ sản xuất kết hợp làm đường giao thông.

Nhờ có hệ thống đê bao khép kín Bắc Vàm Nao, huyện Phú Tân sản xuất 3 năm/8 vụ, với diện tích trên 66.000ha lúa (nếp chiếm trên 92%). Sản lượng lúa bình quân cả năm đạt 0,5 triệu tấn. Do đó, nhu cầu cung ứng giống lúa của địa phương rất lớn.

Hiện diện tích nhân giống toàn huyện đạt khoảng 2.506ha, đạt 5,25% so diện tích xuống giống. Trong đó có 18 tổ sản xuất giống với diện tích 854ha, đạt 1,79% và diện tích sản xuất giống ngoài tổ là 1.652ha, đạt 3,46%.

Trong thời gian qua, trên cơ sở đề tài nghiên cứu phục tráng giống CK2003 và CK92 vào năm 2010 của ĐH Cần Thơ, huyện đã tổ chức nhân giống (đã qua phục tráng) và chuyển giao cho nông dân sản xuất.

Đến nay lượng giống qua phục tráng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hạn chế việc thoái hóa giống và tiến tới “thương mại hóa” khâu sản xuất giống lúa, nếp.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh phê duyệt đề tài "Nghiên cứu chọn tạo giống nếp ngắn ngày, chất lượng tốt cho huyện Phú Tân" do ĐH Cần Thơ triển khai với kinh phí 983 triệu đồng (thực hiện từ năm 2014 - 2017). ĐH Cần Thơ đã cùng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống Tuyết Hồng nhân 2 dòng nếp tạo ra từ đề tài, mỗi dòng 100kg giống trồng ở vụ hè thu để nhân rộng.

Phú Tân cũng hướng dẫn cho nông dân ứng dụng chương trình 1 phải 5 giảm, chương trình 3 giảm 3 tăng. Diện tích áp dụng 3 giảm 3 tăng được 45.708ha đạt 95,8%, 1 phải 5 giảm 32.242ha đạt tỷ lệ 67,58% diện tích xuống giống; thực hiện tiết kiệm nước 41.259ha, đạt 86,48%.

HƯƠNG HUỆ

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/hieu-qua-ung-dung-cong-nghe-cao-san-xuat-lua-nep-post202491.html