Hiệu quả từ việc triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngày 6-10, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 4 năm và sơ kết 3 năm Kế hoạch của Bộ Công an về tằng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) và một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật...

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội chủ trì điểm cầu CATP Hà Nội và phát biểu tham luận tại hội nghị trực tuyến

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội chủ trì điểm cầu CATP Hà Nội và phát biểu tham luận tại hội nghị trực tuyến

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Thiếu tướng Trần Minh Lệ - Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (đơn vị chủ trì hội nghị) và đại diện lãnh đạo các Cục nghiệp vụ - Bộ Công an, cùng 63 điểm cầu Công an các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Tại Hà Nội, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP đã chủ trì điểm cầu CATP tham gia hội nghị trực tuyến.

Khởi tố hình sự 31 vụ vi phạm pháp luật về ATTP

Mở đầu phần tham luận tại hội nghị trực tuyến, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, tình hình vi phạm pháp luật về ATTP tại Việt Nam trong những năm gần đây diễn biến hết sức phức tạp, gia tăng trong tất cả các khâu từ trồng trọt, sản xuất đến chế biến, kinh doanh như: lạm dụng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cấm, ngoài danh mục trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi; sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo điều kiện về vệ sinh ATTP; kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập lậu… Hậu quả của các hành vi này là không lường hết được, chưa thể đo đếm ngay ở thời điểm hiện tại do ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, gây bức xúc dư luận xã hội.

Trước thực tế này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, UBND TP Hà Nội, CATP Hà Nội đã chỉ đạo Công an các đơn vị quận, huyện, thi xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm về ATTP.

Đặc biệt, với việc triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp nên công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ, việc vi phạm quy định pháp luật về ATTP của CATP Hà Nội những năm qua đạt được kết quả cao, góp phần đảm bảo ATTP, ANTT trên địa bàn Thủ đô, nhất là trong các dịp lễ, Tết, được các cấp lãnh đạo và quần chúng nhân dân ghi nhận.

Các đại biểu tham gia hội nghị trực tuyến tại điểm cầu CATP Hà Nội

Qua tổng kết 4 năm và sơ kết 3 năm Kế hoạch của Bộ Công an về tằng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP và một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật, lực lượng CATP đã phát hiện và xử lý 12.788 vụ, việc vi phạm quy định pháp luật về ATTP; trong đó xử lý hình sự 31 vụ, 44 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 12.542vu/ 12.579 đối tượng, thu nộp ngân sách gần 48,7 tỷ đồng.

Quy định pháp luật về ATTP còn thiếu đồng bộ

Nêu ra những tồn tại thực tế hiện nay, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh: "Mặc dù CATP Hà Nội đã tích cực, chủ động tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng đấu tranh, xử lý nhiều vụ việc, đối tượng vi phạm về ATTP, nhưng tình hình vi phạm pháp luật về ATTP vẫn còn diến biến phức tạp.

Đáng chú ý, trong 4 năm qua, trên địa bàn TP Hà Nội đã ghi nhận xảy ra nhiều vụ việc ngộ độc tập thể. Điển hình như 2 vụ ngộ độc methanol do uống rượu (năm 2017 và 2020) gây hậu quả nghiêm trọng, khiến 11 người tử vong, vụ ngộ độc botulium do ăn sản phẩm Pate Minh Chay và mới đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm tại 2 trường học trên địa bàn huyện Đông Anh.

Chỉ ra một số nguyên nhân, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, về chính sách pháp luật quy định về pháp luật ATTP hiện còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu đồng bộ; thẩm quyền xử phạt của lực lượng Công an trong lĩnh vực ATTP, Thú y, Y tế còn hạn chế nên hầu hết các vụ việc phòng Cảnh sát môi trường đều phải phối hợp với các ngành như: Quản lý thị trường, Y tế... kiểm tra, xử lý, dẫn đến thời gian xác minh, xử lý kéo dài. Bên cạnh đó là khó khăn liên quan đến việc cấp trang thiết bị để bảo quản, định giá tang vật vi phạm là thực phẩm sau khi tạm giữ…

Nêu giải pháp xử lý những tồn tại trên, lãnh đạo CATP Hà Nội kiến nghị, đề xuất một số nội dung trọng tâm như: nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/NĐ-CP theo hướng tăng thẩm quyền cho lực lượng CAND trong xử phạt các hành vi vi phạm về ATTP; phối hợp với cơ quan các Bộ, ngành có liên quan để có sự thống nhất về công tác tác quản lý ATTP, hoặc xây dựng quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo ATTP; tổ chức tập huấn để xử lý những vướng mặc cho Công an địa phương, liên quan đến việc triển khai thực hiện Thông tư số 80 của Bộ Công an; hỗ trợ kinh phí tiêu hủy hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuê kho, bãi bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm và trang cấp phương tiện, thiết bị, máy móc; tập huấn cho cán bộ cơ sở, nhằm phục vụ công tác giám định thực phẩm…

Thanh Quang

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hieu-qua-tu-viec-trien-khai-dong-bo-cac-bien-phap-giai-phap-dam-bao-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-post446372.antd