Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự được biết đến là một trong những vùng trọng điểm trồng lúa của địa phương với trên 1.800ha. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xuất khẩu gạo không thuận lợi đã khiến người nông dân trồng lúa gặp nhiều khó khăn nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được quan tâm hơn.

Thường Phước 1

Chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi lươn đã giúp gia đình anh Khắc có thu nhập ổn định

Chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi lươn đã giúp gia đình anh Khắc có thu nhập ổn định

Để nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng như: bắp, mè, rau màu... Ông Phạm Hùng Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 cho biết, để giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng. Cùng với đó, chú trọng chỉ đạo áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn.

Đến nay, ngoài diện tích hơn 1.800ha lúa, trong vụ đông xuân năm 2019, địa phương cũng đã chuyển đổi, mở rộng vùng trồng rau màu lên 539ha gồm: 170ha rau muống lấy hạt, 90ha củ sắn, 200ha ớt, 42ha bắp... Nhờ sản xuất tập trung gắn với áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nên năng suất cây trồng luôn tăng hằng năm. Trong đó, năng suất lúa bình quân đạt 6,7 tấn/ha, riêng các hộ áp dụng theo mô hình “1 phải, 5 giảm” đạt trên 7 tấn/ha.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhiều hộ có cuộc sống ổn định. Hộ ông Trần Văn Lượng ở ấp 2, xã Thường Phước 1 chuyển 7 công đất lúa sang trồng rau muống lấy hạt đã cho lợi nhuận trên 30 triệu đồng/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa như trước đây. Đáng chú ý hơn, các vùng đất gò cao trồng màu và lúa kém hiệu quả đã được nông dân cải tạo chuyển sang trồng sắn, mè cho hiệu quả kinh tế đáng kể.

Bên cạnh chuyển đổi từ lúa sang các loại cây màu để nâng cao hiệu quả kinh tế, nhiều hộ nông dân cũng đã chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi các loại thủy sản như lươn, cá lóc, cá tra... cho thu nhập ổn định. Điển hình như hộ anh Nguyễn Thanh Khắc chuyển từ trồng lúa sang nuôi lươn rất hiệu quả. Theo anh Khắc, vài năm trước, anh chuyên đi thuê đất để trồng lúa nhưng lợi nhuận thấp. Thấy những hộ xung quanh nuôi lươn cho thu nhập ổn định, anh đã chuyển sang nuôi thử. Lúc đầu anh nuôi vài bể bằng vải nilon. Sau khi thu nhập khá, anh xây bể bê tông nuôi lươn sinh sản và lươn thịt. Hiện anh có 19 bể nuôi lươn, thu hoạch xoay vòng quanh năm, với mỗi bể khoảng 200kg, giá trung bình từ 160.000 - 220.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu lãi gần 150 triệu đồng.

Ông Phạm Hùng Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 cho biết, sắp tới để nâng cao thu nhập cho người dân, bên cạnh việc vận động người dân chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, địa phương cũng có dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi lươn cho các hộ nghèo trên địa bàn xã. Theo đó, các hộ này sẽ được hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất từ ngành chuyên môn và các hộ chăn nuôi trước nhằm tạo điều kiện để các hộ này có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Qua đó góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4% trong năm nay (hiện tỷ lệ hộ nghèo tại xã là 7%).

MN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-viec-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-vat-nuoi-86111.aspx