Hiệu quả từ thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ở huyện Như Thanh

Để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, những năm qua, ngoài thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Trung ương, của tỉnh, huyện Như Thanh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Mô hình trồng riềng tại xã Cán Khê.

Theo đó, UBND huyện đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ mua máy cấy có công suất từ 0,2 ha/giờ trở lên; máy gieo mạ tự động có công suất từ 750 khay/giờ trở lên và mua máy gieo mạ thủ công có công suất từ 120 khay/giờ trở lên được hỗ trợ 50% giá trị mua máy cấy và mua khay ghi trên hóa đơn bán hàng, riêng máy cấy mức hỗ trợ tối đa không quá 120 triệu đồng/máy và hỗ trợ 2.400 khay nhựa làm mạ cho 1 máy cấy. Hỗ trợ kinh phí tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP, kinh phí tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất rau an toàn, hội nghị đầu bờ, tin tờ rơi để giới thiệu và quảng bá sản phẩm, kinh phí phân tích mẫu đất, mẫu nước, đầu tư xây dựng đường điện 0,4KVA vào vùng rau, kinh phí khoan giếng nước. Đối với vùng rau trồng vụ thứ 2, hỗ trợ một phần kinh phí mua giống, phân bón cho các hộ trồng rau. Hỗ trợ 1 năm đầu lãi suất vay ngân hàng để đầu tư xây dựng nhà lưới cho các mô hình sản xuất rau cao cấp, ứng dụng công nghệ cao.

Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, cùng với việc ban hành, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của huyện, nên sản xuất nông nghiệp của huyện Như Thanh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp thâm canh, cơ giới hóa, thời vụ gieo trồng, quản lý khai thác tốt các hồ đập và chất lượng vật tư nông nghiệp, nhân rộng kỹ thuật bón phân viên dúi sâu cho lúa... Do đó năng suất, chất lượng các loại cây trồng đều tăng, năng suất lúa từ 45,5 tạ/ha năm 2010 lên 57 tạ/ha năm 2019, sản lượng lương thực có hạt tăng từ 30.295 tấn năm 2010 lên gần 38.000 tấn năm 2018. Toàn huyện đã chuyển đổi 471,3 ha đất lúa sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; chuyển đổi 483,47 ha đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng mía và chuyển đổi được 780 ha đất trồng mía có độ dốc cao sang trồng cây trồng khác. Đáng chú ý, toàn huyện đã có 4 ha rau an toàn tập trung chuyên canh được cấp chứng nhận VietGAP, 4.000m2 nhà lưới sản xuất rau an toàn. Ngoài ra, nhiều mô hình mới gắn với chương trình mỗi xã 1 sản phẩm trong nông nghiệp đã khẳng định được hiệu quả kinh tế và khả năng nhân rộng như: Mô hình trồng nấm xã Yên Thọ, mô hình đào ở xã Xuân Du, mô hình trồng riềng ở xã Cán Khê...

Việc triển khai có hiệu quả các đề án, chính sách ở huyện Như Thanh đã trở thành động lực để người dân chuyển đổi phương thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo người dân, hiện một số chính sách hỗ trợ đưa ra tiêu chí quá cao, khiến cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp và người dân chưa tiếp cận được với chính sách. Chính vì vậy, ngoài phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ, ngành nông nghiệp tỉnh và huyện Như Thanh cần nghiên cứu, điều chỉnh một số tiêu chí phù hợp với thực tế sản xuất trên địa bàn, để các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đi vào cuộc sống, thực sự trở thành động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp đạt những mục tiêu đề ra.

Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-thuc-hien-cac-chinh-sach-ho-tro-phat-trien-nong-nghiep-o-huyen-nhu-thanh/110754.htm