Hiệu quả từ sản xuất liên kết

Sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đồng thời ứng phó phù hợp với biến đổi khí hậu là mục tiêu mà tỉnh Đồng Tháp đang hướng đến. Làm được điều này, tỉnh đang phát huy tối đa vai trò của các hợp tác xã (HTX) nhằm gắn kết nông dân và doanh nghiệp.

Ông Lê Thanh Hiệp, Giám đốc HTX nông nghiệp Tiến Cường (huyện Tam Nông), cho biết trước đây nông dân thường sản xuất theo cách truyền thống như sạ dày, bón nhiều phân đạm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng lúc, canh tác tự phát không theo quy hoạch và thiếu liên kết, nên hiệu quả mang lại không cao. Từ khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời chọn HTX làm cầu nối để liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cùng các nhà khoa học, thì hiệu quả tốt thấy rõ.

Tại HTX nông nghiệp Tiến Cường, vụ hè thu năm 2013 bắt đầu thí điểm 200ha sản xuất theo cánh đồng lớn có liên kết về tiêu thụ sản phẩm và ứng phó biến đổi khí hậu. HTX tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng hạ tầng, làm đê bao, thủy lợi, áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, được các nhà khoa học hỗ trợ kỹ thuật sản xuất mới, bón phân cân đối, hạn chế sử dụng giống, thuốc trừ sâu, ghi chép sổ sách... Nhờ hạ được chi phí đầu vào và đảm bảo đầu ra (bởi có liên kết với doanh nghiệp) nên lợi nhuận của nông dân cao hơn 3,2 - 4,7 triệu đồng/ha so với sản xuất bên ngoài. Từ thành công đó, các vụ sau, diện tích của HTX không ngừng tăng. Qua gần 7 năm sản xuất theo chuỗi giá trị, HTX nông nghiệp Tiến Cường đã liên kết hơn 3.500ha, sản lượng lúa tiêu thụ 20.000 tấn, đảm bảo hiệu quả cho xã viên.

Theo Công ty Lương thực Đồng Tháp, trong thời buổi xuất khẩu nông sản cạnh tranh dữ dội và thị trường đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày càng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm… thì việc sản xuất phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Từ năm 2014 đến nay, công ty đẩy mạnh liên kết sản xuất lúa gạo với các HTX. Qua đó, ký hợp đồng bao tiêu hơn 8.173ha, thực tế đã mua gần 40.000 tấn lúa tươi cho các xã viên. Ngoài ra, công ty còn mua tại kho khoảng 200.000 tấn gạo mỗi năm, góp phần tiêu thụ lúa gạo cho nông dân mỗi khi thu hoạch rộ. Thông qua mô hình liên kết này đã giúp công ty có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng, chủ động việc xuất khẩu. Bên cạnh đó, xây dựng nhãn hiệu gạo an toàn như Sếu Đỏ, Hương Tràm, Ramsar, gạo sạch Tràm Chim và Tháp Mười… được tiêu thụ rộng rãi với giá tốt, giúp nông dân có lãi cao.

Theo đánh giá của các ngành chức năng Đồng Tháp, một trong những thành công về liên kết là việc thực hiện mô hình sản xuất “Ruộng nhà mình”. Mô hình này do Công ty Lương thực Đồng Tháp phối hợp cùng Ban quản lý dự án VnSAT liên kết với các HTX trong tỉnh, xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. “Ruộng nhà mình” được áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất để giám sát đồng ruộng; xây dựng hệ thống bơm tưới thông minh, áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học vào quy trình canh tác, sử dụng bón phân thông minh một lần vào gốc lúa từ khi gieo sạ đến thu hoạch. Phía Công ty Lương thực Đồng Tháp còn hỗ trợ các HTX lắp đặt camera giám sát để cập nhật hình ảnh đồng ruộng lên trang web; tất cả quy trình sản xuất được công khai, minh bạch với người tiêu dùng.

HUỲNH LỢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hieu-qua-tu-san-xuat-lien-ket-598889.html