Hiệu quả từ phong trào đỡ đầu, kết nghĩa ở biên giới Đắk Lắk

Sau hơn nửa ngày vượt gần 100km, qua dãy núi Cưmil với hơn 30km đường đất đỏ trơn trượt và trận mưa rừng như muốn rách da, chúng tôi mới tới được Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk, nằm trong lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn, thuộc huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Đơn vị kết nghĩa hỗ trợ xây dựng mái che cho vườn tăng gia của Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk, góp phần đảm bảo đủ rau xanh vào mùa mưa. Ảnh: Việt Đức

Khi chúng tôi đến Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk, mặt trời đã lùi dần về hướng con suối Đăk Đam. Dù được giới thiệu trước, song khi tới đơn vị, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự “thay da đổi thịt” ở nơi đây. Trung tá Đỗ Trung Long, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk chia sẻ: “Trong những năm qua, đơn vị luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền các huyện Krông Buk, Krông Năng, Buôn Đôn, thị xã Buôn Hồ và một số đơn vị kết nghĩa đứng chân trên địa bàn. Những tấm lòng hướng về biên giới góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong đơn vị”.

Thực tế, trong quá trình thăm hỏi và giao lưu, thấy được những khó khăn, vất vả của những người lính ở Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk, các đơn vị đỡ đầu đã ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần như tặng ti vi, máy lọc nước, các vật dụng sinh hoạt phục vụ đời sống hằng ngày cho bộ đội. Từ đó, đời sống của CBCS Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk được cải thiện đáng kể, cảnh quan môi trường cũng được xây dựng và cải tạo khang trang.

“Trước đây, đồn không tự đảm bảo đủ rau xanh vào mùa mưa, vì những cơn mưa rừng như trút nước đến cả những lá cây dầu cũng bị xé rách. Từ thực tế đó, UBND huyện Buôn Đôn đã đầu tư cho chúng tôi xây dựng mái che rộng 600m2 trị giá 75 triệu đồng để trồng rau xanh. Bên cạnh đó, thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Buk và huyện Krông Năng đã hỗ trợ đơn vị xây dựng khu chăn nuôi tập trung với tổng kinh phí 300 triệu đồng... Đến nay, đơn vị đã đảm bảo 100% rau xanh tại chỗ. Công tác tăng gia của đơn vị cũng phát triển rõ rệt với 30 con bò, đàn heo gần 100 con và gần 400 gia cầm các loại đảm bảo tự cung, tự cấp phần lớn thực phẩm cho đơn vị” - Trung tá Đỗ Trung Long cho biết.

Cũng như Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, Đồn Biên phòng Ia Rvê đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các đơn vị kết nghĩa trong quá trình xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường. Đồn Biên phòng Ia Rvê được thành lập tháng 9-2004. Những ngày đầu, đời sống của CBCS gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất cũng như trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng được sự hỗ trợ của các đơn vị đỡ đầu phía sau, đời sống của CBCS từng bước được cải thiện.

Dẫn chúng tôi đi thăm nhà truyền thống của đơn vị, Thiếu tá Trương Văn Hoành, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Rvê cho biết: “Đây là công trình do các đơn vị kết nghĩa đỡ đầu giúp đỡ kinh phí xây dựng. Công trình rộng hơn 200m2, được thiết kế 2 tầng với nhiều công năng khác nhau. Tầng hai là Phòng Hồ Chí Minh, trưng bày những hiện vật và tài liệu truyền thống của đơn vị. Tầng dưới được thiết kế như một phòng khách, đón tiếp những đoàn khách đến thăm đơn vị”.

Ngoài khu nhà truyền thống, dưới bàn tay khéo léo của những người lính Biên phòng, từ nhà ở tới vườn rau, nhà hóng mát... nơi nào cũng ngăn nắp và đẹp như một hoa viên giữa khu rừng khộp. Chia sẻ thêm với chúng tôi, Thiếu tá Hoành vui vẻ nói: “Không chỉ nhận được sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần, từ chương trình kết nghĩa, đỡ đầu, có không ít những cặp đôi đã nên duyên vợ chồng. Từ đó, tạo hậu phương vững chắc cho những người lính yên tâm bám trụ với mảnh đất biên cương. Điển hình là trường hợp của Thượng úy Hoàng Văn Thọ và cô giáo Nguyễn Thị Chinh, giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An - một trường kết nghĩa với đơn vị...”

Tìm hiểu thêm về chương trình kết nghĩa, đỡ đầu các đồn Biên phòng ở Đắk Lắk, chúng tôi được Đại tá Trần Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh cho biết: Thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ra Thông báo số 38/TB-TU ngày 2-11-1989 về việc phân công các huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị đỡ đầu hỗ trợ xây dựng các đồn Biên phòng trong tỉnh. Từ đó, chương trình kết nghĩa, đỡ đầu không chỉ là trách nhiệm, mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành phong trào, một nét văn hóa đẹp. Nhiều công trình như: Nhà truyền thống, khu tăng gia sản xuất, phương tiện máy móc phục vụ sinh hoạt và công tác được các đơn vị kết nghĩa hỗ trợ kinh phí xây dựng... Những công trình đó mang lại hiệu quả cao giúp cho đời sống của CBCS và nhân dân ở khu vực biên giới ngày càng được nâng lên.

Đại tá Trần Anh Dũng nhấn mạnh: Qua chương trình kết nghĩa, đỡ đầu, chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực khác như: Giao lưu thắt chặt tình đoàn kết, tìm hiểu truyền thống BĐBP, cùng với tổ chức Đoàn địa phương kết nạp hàng trăm đoàn viên mới, tổ chức nhiều buổi chào cờ ngay tại đường biên, cột mốc cho các đơn vị lên thăm biên giới... Qua đó, tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, công chức, nhân dân, các em học sinh về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước và trách nhiệm của công dân trong quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, giữ vững chủ quyền, lãnh thổ và an ninh trật tự khu vực biên giới.

Việt Đức

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hieu-qua-tu-phong-trao-do-dau-ket-nghia-o-bien-gioi-dak-lak/