Hiệu quả từ những chính sách đặc thù

Hiện toàn tỉnh Vĩnh Phúc có gần 54.000 người dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc 39 dân tộc anh em (chiếm hơn 4,8% dân số toàn tỉnh). Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm còn 3,1%).

Đến nay, 100% xã vùng DTTS và miền núi đều có trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường THCS được kiên cố hóa, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia. Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư về mọi mặt, là cái nôi để học sinh người DTTS học tập, xây dựng tương lai. Công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng DTTS và miền núi cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Cơ sở vật chất, đội ngũ y sĩ, bác sĩ được tăng cường, 100% thôn, bản có nhân viên y tế. Hằng năm, tỉnh cấp miễn phí hàng chục nghìn thẻ bảo hiểm y tế, tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn lượt người dân vùng DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao vùng DTTS và miền núi được củng cố và quan tâm đầu tư, công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS được chú trọng, như: Hát soọng cô (dân tộc Sán Dìu) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hát sịnh ca (dân tộc Cao Lan), các lễ hội truyền thống như: Lễ hội xuống đồng (dân tộc Cao Lan), lễ cấp sắc của dân tộc Dao, Sán Dìu... được bảo tồn, phát huy giá trị.

Để đạt được những kết quả trên, theo đồng chí Trần Phú Phương, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc luôn đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Ngoài tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách chung của Đảng, Nhà nước, tỉnh còn có nhiều chính sách đặc thù đối với vùng DTTS và miền núi, điển hình như thực hiện Quyết định số 620/QĐ-UBND ngày 22-9-2019 của UBND tỉnh, đến thời điểm hiện nay đã có 113 hộ đồng bào DTTS được vay vốn sản xuất với tổng số tiền hơn 7,8 tỷ đồng; gần 50 người được hỗ trợ đào tạo nghề với kinh phí 240 triệu đồng; 493 hộ gia đình được hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/hộ để mua thiết bị dẫn nước, cải tạo nguồn nước sinh hoạt. Tỉnh cũng đã bố trí kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng để giải quyết đất ở cho các hộ người DTTS khó khăn về nhà ở... Các địa phương trong tỉnh chủ động triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế vùng DTTS và miền núi mang lại hiệu quả thiết thực, như đề án phát triển đàn bò sữa, cải tạo đàn bò thịt, phát triển cây dược liệu ở huyện Tam Đảo, phát triển cây thanh long ruột đỏ ở huyện Lập Thạch...

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Phúc xác định phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi. Trong đó chú trọng làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng để có được đội ngũ cán bộ là người DTTS đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện đầu tư, hỗ trợ đồng bào DTTS kịp thời, hiệu quả. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình về phát triển kinh tế, gắn phát triển sản xuất với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, trong đó đặc biệt chú trọng các mô hình phát huy nội lực, khắc phục tính ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước của một bộ phận người DTTS. Tiếp tục phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong công tác vận động đồng bào các dân tộc thực hiện hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/hieu-qua-tu-nhung-chinh-sach-dac-thu-654679