Hiệu quả từ những cánh đồng một giống lúa

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh dự ước năng suất vụ lúa chiêm xuân 2019 trung bình toàn tỉnh đạt khoảng 65,5 tạ/ha. Tại nhiều cánh đồng chỉ sản xuất từ 1 đến 2 giống lúa, năng suất đạt từ 70 đến 80 tạ/ha.

Cánh đồng canh tác 1 giống lúa tại xã Tượng văn (Nông Cống) cho năng suất gần 8 tấn/ha (vụ chiêm xuân 2019).

Cánh đồng thôn Nguyên Tân của xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) một ngày cuối tháng 5, nhìn từ xa như một tấm thảm. Đứng trước những ruộng lúa nặng trĩu bông với một màu vàng trải dài tít tắp, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thiệu Nguyên, không khỏi vui mừng: Vụ chiêm xuân này, lúa ở cánh đồng thôn Nguyên Tân cho năng suất dự kiến khoảng 75 tạ/ha, có nhiều thân ruộng tốt, năng suất tới 80 tạ/ha.

Hỏi về kinh nghiệm, ông Thắng cho hay, ngoài áp dụng cơ giới hóa trong các khâu cày cấy, thu hoạch, thì sự khác biệt lớn nhất là vận động được bà con cùng ra đồng đúng thời điểm, canh tác chỉ một đến hai giống lúa trong một khu đồng. Cụ thể, như tại cánh đồng thôn Nguyên Tân này, ngay từ đầu vụ, HTX đứng ra ký hợp đồng liên kết với một công ty giống cây trồng tại miền Bắc cung ứng giống, gieo cấy 100% giống lúa Thái Xuyên 111. Đây là giống lúa chúng tôi đã khảo sát từ thực tiễn các vụ trước, thấy cho năng suất tốt, phù hợp với đồng đất địa phương nên lựa chọn cho bà con gieo trồng. Trên địa bàn toàn xã, 270 ha đất lúa vụ chiêm xuân thì có tới 80% cùng cấy giống này trên cùng xứ đồng. Năng suất và hiệu quả thì đã rõ.

Cũng tại huyện Thiệu Hóa, vụ chiêm xuân 2019 này, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thiệu Lý cũng thí điểm canh tác 2 ha lúa QL 301 theo mô hình liền vùng, liền thửa. Do lúa được gieo cấy cùng thời điểm nên thời gian sinh trưởng đồng đều, việc chăm sóc, bón phân được thực hiện đồng loạt, nhanh gọn, dễ áp dụng cơ giới hóa. Mới hoàn thành việc thu hoạch, vùng lúa 2 ha tập trung này đã cho năng suất hơn 70 tạ/ha, cao hơn nhiều khu ruộng gần đó trồng lẫn lộn nhiều giống lúa.

Vụ chiêm xuân này, lúa toàn tỉnh được mùa nhưng năng suất không cao, chỉ đạt trung bình khoảng 65,5 tạ/ha. Tuy nhiên, trên nhiều cánh đồng của các xã Tượng Sơn và Tượng Văn của huyện Nông Cống, năng suất lúa đạt tới gần 80 tạ/ha. Qua tìm hiểu, những vùng lúa này cũng được canh tác bởi duy nhất 1, cùng lắm là 2 giống lúa. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tượng Văn - ông Lâm Xuân La, cho biết: Vụ chiêm xuân vừa qua, chúng tôi đã ký được hợp đồng liên kết sản xuất, hình thành vùng lúa tập trung 50 ha thuộc thôn Trí Phú của xã. Cả cánh đồng chỉ gieo cấy 2 giống lúa, trong đó 8 ha lúa NA 6 và 42 ha lúa Thái Xuyên 111. Tuy 2 giống nhưng mỗi giống trồng tập trung ở một khu, không xen kẽ nên bản chất cũng chỉ là canh tác một giống lúa trên mỗi khu đồng. Tương tự, tại xã Tượng Sơn, có cánh đồng 55 ha cũng chỉ có một giống lúa. Cả 2 khu trồng lúa nói trên của cả 2 xã đều đã cho thu hoạch, năng suất từ 76 đến 80 tạ/ha, cao hơn nhiều những khu đồng vẫn duy trì canh tác truyền thống với nhiều giống lúa ở địa phương.

Qua thực tiễn từ các địa phương trên, những cánh đồng một giống lúa đã khẳng định nhiều ưu điểm. Khi các HTX khuyến cáo, người nông dân đồng loạt triển khai các biện pháp kỹ thuật trong một khoảng thời gian nhất định, cho hiệu quả rõ rệt. So với canh tác nhiều giống lúa khác nhau trong một khu đồng, thời gian sinh trưởng cũng như thu hoạch đồng loạt nên chỉ cần một máy gặt, có thể gặt cả khu đồng trong một ngày, từng hộ không mất thời gian chờ đợi, tìm thuê máy như nhiều nơi. Đáng nói, giai đoạn lúa làm đòng, trỗ bông cùng thời điểm nên lúa thụ phấn tốt hơn, không bị hiện tượng lẫn giống do hạt phấn phát tán bởi gió.

Ngược lại, tại rất nhiều địa phương, bà con nông dân vẫn canh tác tùy ý thích, mỗi nhà một giống khác nhau. Bất lợi đầu tiên là lúa sinh trưởng khác nhau nên thời gian nhiễm các loại sâu bệnh cũng không giống nhau. Một gia đình phun thuốc trừ rầy nâu hay các loại sâu bệnh, những thân ruộng khác ngay bên cạnh không được phun nên mầm bệnh lại nhanh chóng lây lan sang. Và, mầm bệnh có lẽ không bao giờ hết trên cùng một cánh đồng. Tương tự, châu chấu, các côn trùng gây hại chỉ cần bay sang ruộng chưa phun thuốc là có chỗ trú ngụ an toàn.

Rõ ràng, tại những khu đồng chỉ canh tác một giống lúa, thời gian sinh trưởng, làm đòng, trổ bông... như nhau, người nông dân rất dễ chăm sóc. Khi phun thuốc trừ sâu, chỉ trong vài ngày đã được nông dân thực hiện xong, diệt trừ đồng loạt các loại bệnh trên lúa hiệu quả hơn. Năng suất trên thực tiễn thì đã rõ. Vấn đề là chính quyền hoặc các HTX nông nghiệp ở các địa phương có tuyên truyền được để người dân chung tay thực hiện cùng một giống lúa ở mỗi xứ đồng hay không.

Linh Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-nhung-canh-dong-mot-giong-lua/102515.htm