Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi cho nông nghiệp

Nông dân khởi nghiệp, doanh nghiệp hóa nông dân không còn là câu chuyện mới ở vùng đất Tây Nguyên đất đỏ ba-dan. Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn ngày càng dồi dào, các chi nhánh Agribank luôn tấp nập người vay vốn, gửi tiền, rộn ràng khí thế làm ăn lớn.

Điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dụng của Agribank tại xã Quảng Sơn, huyện Đác Glong (Đác Nông).

Vay lớn, sản xuất lớn

Nhờ dòng vốn liên tục, dồi dào, Công ty Cà-phê 52 đã hoàn thành tái canh 211 ha cà-phê trong tổng số 230 ha cần tái canh. Đứng trước những luống cà-phê mới trồng xen sầu riêng đều tăm tắp, Giám đốc Nguyễn Công Trí giới thiệu: Đây là những luống cà-phê tái canh ba tuổi, đã bói quả, đằng kia là cà-phê hai tuổi, một tuổi. Việc tái canh cây cà-phê, phát triển sản xuất diễn ra thuận lợi do công ty được vay 18 tỷ đồng từ chi nhánh Agribank huyện Ea Kar (Đác Lắc). Với cơ chế cho vay tái canh cây cà-phê không phải trả lãi và gốc trong bốn năm đầu, nhiều nông dân và doanh nghiệp vượt qua được tâm lý e dè, mạnh dạn mở rộng sản xuất.

Anh Lương Văn Hiệp, chủ trang trại 28 ha tại thôn 8, xã Đác Nia, thị xã Gia Nghĩa (Đác Nông) chọn Agribank để hợp tác. Trang trại của anh lựa chọn hướng đầu tư sản xuất sản phẩm hữu cơ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong trồng trọt, liên kết các doanh nghiệp để khép kín chuỗi giá trị.

Ở Tây Nguyên, nhiều người trở thành triệu phú nông dân và chủ doanh nghiệp từ trồng trọt quy mô lớn, sau đó kết hợp buôn bán vật tư nông nghiệp, thành lập công ty và chuyển sang kinh doanh nông sản. Nhưng dù làm gì thì những doanh nghiệp nông dân vẫn giữ đất sản xuất. Ông Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm Tất Thắng khởi nghiệp cũng bằng con đường ấy. Công ty của ông chuyên chế biến, xuất khẩu lạc và đậu nành, hai sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện Cư Giút, tỉnh Đác Nông. Hằng năm, công ty liên kết với Nhà máy sữa Vinasoy và NutiFood Việt Nam tiêu thụ hơn 10 nghìn tấn đậu nành, giúp hàng chục nghìn hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm ổn định. Hiện nay, ông sở hữu một gia tài đồ sộ gồm khu chế biến đậu nành, siêu thị, nhà máy chế biến lạc xuất sang Ma-lai-xi-a. Ông Thắng tâm sự: Được như hôm nay là do công ty luôn giữ được chữ tín với ngân hàng và nông dân. Hơn 20 năm qua ông hợp tác chặt chẽ với Agribank và hiện nay được cấp gói tín dụng 50 tỷ đồng để mở rộng sản xuất. Theo ông, hơn 80% số người dân Đác Nông phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Người nông dân có kỹ năng nghề, có đất, nếu được các ngân hàng cung cấp đầy đủ vốn thì sớm muộn họ cũng trở thành chủ trang trại, doanh nhân. Chỉ khi đó mới có thể nói tới chuỗi giá trị và liên kết sản xuất, làm ăn lớn.

Tín dụng vươn tới vùng sâu, vùng xa

Agribank đang có mặt tại nhiều địa phương đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo nhất nước và vươn tới những xã khó khăn nhất. Gặp gỡ chị Bùi Thị Hoa, thôn Bon Rlong Phe, xã Quảng Sơn, huyện Đác Glong (Đác Nông), chúng tôi thêm hiểu về những khó khăn của việc giao dịch với ngân hàng ở vùng sâu, vùng xa. Từ trung tâm xã Quảng Sơn đến trung tâm huyện khoảng 60 km, đường rất xấu. Trên địa bàn huyện không có ngân hàng thương mại nào khác ngoài Agribank, do vậy người dân muốn giao dịch phải lên tận tỉnh, huyện. Có khi phải đi lại mấy lần mới xong. Chưa tính đến việc mỗi lần chị Hoa đi vay, đi trả tiền gốc mang theo mấy trăm triệu đồng, dọc đường vắng chỉ lo mất an toàn. Nhu cầu vay vốn sản xuất của nông dân vùng này rất lớn. Xã Quảng Sơn rộng gần 500 km2, số dân hơn 23 nghìn người, từ lâu người dân mong muốn có điểm giao dịch ngân hàng tại xã. Do đó, khi Agribank tổ chức điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dụng đặt tại UBND xã, hai buổi mỗi tuần, rất đông bà con trong vùng đến giao dịch.

Lặn lội vào trang trại của ông Phạm Tấn Thắng ở thôn 3, xã Quảng Sơn, ai cũng bất ngờ khi thấy trang trại rộng 40 ha với đủ mọi loại cây trái, cà-phê, măng cụt, sầu riêng, bơ... giữa rừng núi. Nhiều cây đang bói quả sau thời kỳ tái canh. Ông Thắng vay hơn mười tỷ đồng từ các ngân hàng, trong đó riêng Agribank là 7 tỷ đồng. Trong khi giá đất trang trại theo quy định chỉ hơn mười nghìn đồng/m2, ông tiếp cận được nguồn vốn lớn thông qua hình thức vay tín chấp.

Anh Nguyễn Đức Thành, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank huyện Đác Glong cho biết, huyện còn năm xã chưa có phòng giao dịch, do đó ngân hàng tổ chức cho vay qua các tổ vay vốn của hội nông dân, hội phụ nữ. Các chi nhánh Agribank tại Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng cũng tiến về vùng sâu, vùng xa bắt đầu bằng xe giao dịch lưu động, phát triển lên thành các phòng giao dịch cố định, giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn. Chiến lược tái canh cây cà-phê đang được cả vùng Tây Nguyên hưởng ứng, từ nông dân đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Dòng vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP đang chảy mạnh nhờ cơ chế vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản. Rất nhiều hộ nông dân, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp được vay vốn theo phương thức này và được Agribank hỗ trợ tối đa về lãi suất và thủ tục vay vốn.

Tuy nhiên, chưa thể nói rằng cơn khát vốn cho nông nghiệp Tây Nguyên đã được giải quyết, vì nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh vùng này rất lớn. Các ngân hàng cần tìm kiếm nguồn vốn để cùng nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững.

Bài và ảnh: HÀ HỒNG HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38431202-hieu-qua-tu-nguon-von-uu-dai-cho-nong-nghiep.html