Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách xã hội

Thời gian qua, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã đầu tư sản xuất hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập.

Thời gian qua, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã đầu tư sản xuất hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập.

Nhiều năm nay, gia đình ông Mấu Xuân Hướng (thôn Suối Đá, xã Ba Cụm Bắc) luôn trong hoàn cảnh khó khăn, đời sống bấp bênh khi chỉ trông chờ vào 2 con bò nuôi. Năm 2016, gia đình ông mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Khánh Sơn để mua thêm 2 con bò về nuôi. Qua hơn 2 năm chăm sóc, đến nay, gia đình ông đã có thêm 2 con bê. “Gia đình tôi đã gom góp trả được 1/3 số tiền nợ cho ngân hàng. Vợ chồng tôi vừa làm rẫy, vừa chăn nuôi bò, hy vọng thoát nghèo của gia đình tôi cũng từ đàn bò này”, ông Hướng nói.

 Ban Dân tộc HĐND tỉnh tham quan mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Cao Nghiệp, xã Ba Cụm Bắc.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh tham quan mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Cao Nghiệp, xã Ba Cụm Bắc.

Tương tự, năm 2016, từ số tiền 40 triệu đồng vay Ngân hàng CSXH huyện Khánh Sơn, gia đình ông Cao Nghiệp - hộ nghèo ở thôn A Thi (xã Ba Cụm Bắc) đã cải tạo lại vườn tạp, mua 20 cây sầu riêng về trồng thêm trong vườn nhà rộng chừng 2 sào. Ngoài ra, gia đình ông còn đầu tư 3 sào mía tím, mua máy bơm, ống dẫn nước để đảm bảo nước tưới cho sầu riêng và mía. 2 năm nay, mía tím được giá (18 - 20 triệu đồng/sào), nên ngoài số tiền dành để trả nợ ngân hàng, gia đình ông Nghiệp đã có thêm tiền để xây dựng lại căn nhà khang trang hơn. Năm nay, ngoài mía tím, gia đình ông còn đặt nhiều hy vọng vào những cây sầu riêng đang trĩu quả.

Không riêng gì các hộ ĐBDTTS nghèo, cận nghèo tại xã Ba Cụm Bắc, nhiều hộ khác cũng đã tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện Khánh Sơn. Từ năm 2016 đến nay, ngân hàng đã cho 2.197 lượt hộ ĐBDTTS nghèo vay từ nguồn vốn Trung ương, với số tiền hơn 62 tỷ đồng; có 136 hộ ĐBDTTS nghèo được vay vốn do Ngân hàng CSXH huyện đáp ứng, địa phương hỗ trợ lãi suất, với số tiền gần 5,3 tỷ đồng. “Hầu hết hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, biết đưa nguồn vốn vào phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình, trả nợ đúng hạn. Ngân hàng sẽ luôn nỗ lực, không để hộ ĐBDTTS nghèo, cận nghèo nào thiếu vốn, phải vay từ tín dụng đen”, ông Nguyễn Văn Nghiệm - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Khánh Sơn cho biết.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo lãnh đạo huyện Khánh Sơn, hiện nay vẫn còn một bộ phận ĐBDTTS nghèo, cận nghèo tuy được tiếp cận nguồn vốn nhưng khả năng sử dụng, đưa vốn vào sản xuất còn hạn chế. Trong khi đó, vẫn chưa có sự đồng hành tích cực từ một số cơ quan chuyên môn của địa phương trong việc hỗ trợ, hướng dẫn các hộ này về cách thức làm ăn, sử dụng vốn vay hiệu quả nên một số hộ đến hạn không trả được nợ, phải gia hạn nợ.

Ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận định, thời gian qua, các hộ ĐBDTTS nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH huyện một cách thuận lợi. Qua giám sát một số mô hình sản xuất cho thấy, người dân đã biết sử dụng vốn vay vào sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Tuy nhiên, huyện Khánh Sơn cần rà soát, đánh giá cụ thể hiệu quả việc sử dụng vốn của người vay, cũng như tác động của việc vay vốn đối với công tác giảm nghèo ở địa phương. Để hỗ trợ người dân sử dụng vốn hiệu quả, các đơn vị khuyến nông, khuyến lâm cần đồng hành hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201906/hieu-qua-tu-nguon-von-chinh-sach-xa-hoi-8119779/