Hiệu quả từ một đề án đặc thù

Đề án 2085 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2017-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016. Với quyết tâm thực hiện Đề án trong 2 năm (2018-2019), Quảng Ninh đã hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu Đề án đề ra, với trên 90% đối tượng được nhận chính sách hỗ trợ.

Mục tiêu của Đề án 2085 là giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về đời sống, sản xuất như đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm cho các hộ nghèo vùng DTTS và miền núi. Qua đó, cải thiện, nâng cao điều kiện sống cho các hộ, từng bước giảm dần khoảng cách chênh lệch về mức sống và các điều kiện phát triển, thụ hưởng dịch vụ xã hội cơ bản giữa thành thị, nông thôn với vùng DTTS, miền núi.

Đoàn Công tác Ban Dân tộc tỉnh kiểm tra việc bàn giao téc nước sinh hoạt cho hộ dân theo Đề án 2085 tại xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, tháng 1/2019. Ảnh: Huy Thành (CTV)

Đoàn Công tác Ban Dân tộc tỉnh kiểm tra việc bàn giao téc nước sinh hoạt cho hộ dân theo Đề án 2085 tại xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, tháng 1/2019. Ảnh: Huy Thành (CTV)

Triển khai thực hiện Đề án 2085, ngày 18/4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1279/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020. Đề án triển khai tại 11 địa phương với trên 4.600 hộ có nhu cầu hỗ trợ; tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ gần 66 tỷ đồng. Sau 2 năm triển khai, Đề án đã thực hiện hỗ trợ cho trên 4.200 lượt hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo tại các xã, thôn, bản ĐBKK trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí trên 59 tỷ đồng.

Sau 2 năm triển khai, Đề án 2085 đã hỗ trợ cho trên 4.200 lượt hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo tại các xã, thôn, bản ĐBKK trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí trên 59 tỷ đồng.

Qua thực hiện Đề án đã góp phần giải quyết căn bản việc thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và một phần nhu cầu về vốn vay phát triển sản xuất ở vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, tạo sinh kế bền vững cho hộ đồng bào DTTS nghèo, người dân ở địa bàn ĐBKK.

Như về vốn vay sản xuất kinh doanh, thực hiện Đề án, đã có 840 hộ được vay số vốn trên 42 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để phát triển, nhân rộng mô hình sản xuất. Các địa phương thực hiện tốt là Hạ Long, Đầm Hà, Ba Chẽ. Như ở huyện Đầm Hà, đã có 28 hộ được vay vốn với số tiền gần 1,5 tỷ đồng; trên 300 hộ được vay vốn xây dựng nhà ở với số tiền trên 6 tỷ đồng và nhiều hộ đồng bào DTTS được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế. Từ đó, trong vùng đồng bào DTTS huyện xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ giải ngân vốn vay cho người dân xã Nam Sơn, tháng 1/2020. Ảnh: Cao Quỳnh

Hỗ trợ về nước sinh hoạt cũng là một trong những nội dung quan trọng của Đề án và được triển khai thực hiện thành công. Theo đó, toàn tỉnh đã có 2.620/2.667 hộ được hỗ trợ, đạt 98,24% kế hoạch (có 47 hộ không thực hiện được do đã chuyển nơi ở sang nơi khác, không còn nhu cầu hỗ trợ...). Việc hỗ trợ các công trình nước sinh hoạt với mức hỗ trợ cao hơn mức quy định bình quân của Trung ương (gấp 2 lần) đã giúp cho các địa phương triển khai thuận lợi. Các hộ dân được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, từng bước tạo cho người dân ý thức bảo vệ nguồn nước, hạn chế các dịch bệnh. Tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng cao, đạt 96,91% (cuối năm 2019).

“Trước đây, gia đình tôi sử dụng nước sinh hoạt dẫn từ các khe, suối về, nhưng mùa khô thường không đủ để sử dụng, nên phải dự trữ bằng nhiều dụng cụ, nguy cơ mất vệ sinh cao. Đầu năm 2019, gia đình tôi được hỗ trợ một téc nước inox nên an tâm tích trữ nước cho mùa khô...”, bà Chíu Nhì Múi (thôn Ngàn Vàng Trên, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) cho biết.

Việc thực hiện Đề án 2085 đã tác động tích cực, góp phần tiếp tục cải thiện đời sống người dân vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Đồng thời, đóng góp vào việc thực hiện, hoàn thành các tiêu chí, điều kiện để đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 trước 1 năm so với lộ trình tỉnh đề ra. Những kết quả mà Đề án 2085 mang lại cũng là tiền đề vững chắc để tỉnh tiếp tục xây dựng, triển khai chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Hoàng Nhi

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202008/hieu-qua-tu-mot-de-an-dac-thu-2496838/