Hiệu quả từ mở rộng các trục đường

Tình trạng quá tải hạ tầng, gây ùn tắc giao thông tại đô thị lớn như Hà Nội luôn là vấn đề nóng. Thực tế cho thấy, trong các giải pháp ngắn hạn, trực tiếp góp phần giảm thiểu ùn tắc thì xén dải phân cách đã và đang mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, về lâu dài, để không phát sinh các điểm ùn tắc mới thì cần sự vào cuộc đồng bộ và đa dạng hóa các giải pháp của các ngành chức năng.

Hiệu quả bước đầu

Hà Nội đã và đang thực hiện dự án xén hè mở rộng đường trên địa bàn. Thực tế cho thấy, sau một thời gian triển khai, các tuyến đường trong diện thi công đã trở nên thông thoáng. Việc xén hè, mở rộng đường đã góp phần giảm thiểu đáng kể hiện tượng ùn tắc giao thông tại các khu vực này trong những khung giờ cao điểm.

Tại trục đường Láng, do lòng đường được mở rộng nên các phương tiện đều di chuyển khá thuận lợi, hiện tượng ùn tắc được giảm thiểu. Ảnh: Đinh Luyện

Tại trục đường Láng, do lòng đường được mở rộng nên các phương tiện đều di chuyển khá thuận lợi, hiện tượng ùn tắc được giảm thiểu. Ảnh: Đinh Luyện

Theo ghi nhận thực tế tại các tuyến giao thông trọng điểm như: Láng, Vành đai 3, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh… sau khi được xén giải phân cách, đường có diện mạo mới khang trang hơn. Do lòng đường được mở rộng nên các phương tiện đều di chuyển khá thuận lợi.

Trục đường Láng là ví dụ. Nếu như trước đây, nhiều điểm giao cắt thuộc trục đường này giao thông di chuyển khá khó khăn thì nay, thông qua việc mở rộng lên 4 - 6 làn xe, hiện tượng ùn tắc kéo dài đã giảm thiểu. Hiện những hạng mục cuối cùng như: Hoàn thiện đường ven sông cho người đi bộ và xe thô sơ, trồng cây xanh… đang được công nhân tích cực hoàn thiện.

Quanh vấn đề này, trước đó, không ít ý kiến cho rằng việc xén dải phân cách, vỉa hè dễ tạo nên những nút thắt cổ chai, gây xung đột giao thông. Nghiêm trọng hơn, việc xén hè mở rộng đường trong bối cảnh cận tết Nguyên đán như vừa qua là chưa phù hợp, dễ gây bẩn đường phố và gia tăng ách tắc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác quy hoạch trong bối cảnh lượng phương tiện tăng cao, các tuyến đường đang bị quá tải thì việc tổ chức, quy hoạch lại hạ tầng là việc cần làm. Chia sẻ thêm về việc xén hè mở rộng đường trong bối cảnh cận Tết, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, công tác này hoàn toàn có thể triển khai vào thời điểm sau Tết. Tuy nhiên, với mong muốn giảm thiểu ùn tắc nhanh, tạo thuận lợi nhất cho người dân đi lại an toàn, thông thoáng nên công tác này được bắt tay và triển khai nhanh.

“Với những công trình giảm ùn tắc giao thông thì việc đưa vào sử dụng sớm một ngày cũng có tác dụng, sớm ngày nào mang lại lợi ích ngày ấy. Trong quá trình tổ chức thi công, vừa làm vừa đảm bảo việc đi lại, hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Như tuyến đường Vành đai 3, vừa làm vừa khai thác đã góp phần làm giảm ùn tắc…” – ông Vũ Văn Viện chia sẻ.

Không để phát sinh các điểm ùn tắc mới

Khách quan nhìn nhận, nguyên nhân chính dẫn đến việc ùn tắc giao thông khu vực nội đô từ lâu đã được chỉ ra đó là: Do mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng cao, nhất là trên các tuyến đường qua các khu đô thị, chung cư cao tầng, trung tâm thương mại; Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán; Và nguyên nhân nữa đó là ý thức chấp hành luật lệ của người tham gia giao thông chưa cao.

Ngoài ra, một vấn đề nan giải khác cũng ít được đề cập là quỹ đất dành cho giao thông đến nay vẫn tương đối hạn chế. Cụ thể, tính đến năm 2018, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông mới đạt 8,65% diện tích đất đô thị (thế giới khoảng 25%). Theo thống kê mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm.

Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn nội đô, thời gian qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, triển khai nhiều biện pháp để kéo giảm hiện tượng này. Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; tổ chức và công bố kết quả cuộc thi ý tưởng, phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030, qua đó, lựa chọn giải pháp phù hợp để thực hiện nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Ngoài ra, Thành phố cũng huy động tối đa các lực lượng chốt trực, hướng dẫn, phân luồng giao thông vào giờ cao điểm có nguy cơ ùn tắc; cung cấp danh sách các tuyến phố cấm xe taxi trên địa bàn Thành phố theo giờ đối với các tuyến đường, phố có nguy cơ ùn tắc vào giờ cao điểm…

Với những nỗ lực và sự vào cuộc đồng bộ này, không ít “điểm nóng” ùn tắc đã được xử lý. Mới đây nhất là các điểm nóng giao thông tại khu vực nút giao La Thành - Nguyễn Chí Thanh; khu vực Đại Cồ Việt - Hoa Lư - Tạ Quang Bửu; nút giao Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương; nút giao Trần Phú - Mỗ Lao - Nguyễn Khuyến; khu vực Cầu Tó... về cơ bản đã được xóa bỏ.

Theo Sở GTVT Hà Nội, xuyên suốt năm 2019, Sở sẽ phối hợp với Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải đối với toàn bộ các đơn vị kinh doanh vận tải, trước mắt tập trung kiểm tra các đơn vị vận tải có phương tiện gây tai nạn trong năm 2018; tập trung bảo đảm an toàn giao thông phục vụ nhân dân đi lại trong dịp Lễ hội xuân 2019…

Sở GTVT cũng sẽ tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen về tai nạn giao thông, các điểm ùn tắc giao thông; tập trung thực hiện hoàn thành các dự án xén mở rộng đường gom Đại lộ Thăng Long; xén mở rộng đường Lê Quang Đạo và mở rộng mặt đường Âu Cơ-Nghi Tàm để giảm ùn tắc giao thông, hoàn thành trong năm 2019.

Đồng thời, Sở sẽ tích cực phối hợp với các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan tổ chức giao thông phục vụ thi công các công trình giao thông trong danh mục các dự án trọng điểm của Thành phố và của Bộ GTVT như hoàn thành đường trên cao và đẩy nhanh tiến độ thi công các nhà ga S9, S10, S12 của dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội; đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở; đường vành đai 3 dưới thấp và trên cao đoạn cầu vượt Mai Dịch-cầu Thăng Long, đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục…

Rõ ràng, xén hè mở rộng đường đã và đang từng bước mang lại hiệu quả giảm ùn tắc. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số những biện pháp ngắn hạn, về lâu dài bên cạnh công tác hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, các ngành chức năng liên quan cần sớm triển khai xây dựng hoàn thiện các đường vành đai, tiến hành nâng cấp, mở rộng một số đường trục chính, triển khai quy hoạch và xây dựng thêm các bãi giao thông tĩnh trong Thành phố.

Đồng thời lập lại trật tự vỉa hè phố, lòng đường, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Đặc biệt, cần có giải pháp về quy hoạch và quản lý giao thông, di dời các trường đại học và một số cơ quan ra ngoài phạm vi trung tâm, bố trí linh hoạt giờ làm việc hay giờ đi học… Chỉ đồng bộ như vậy mới có thể từng bước giảm thiểu lượng phương tiện cá nhân, góp phần cải thiện năng lực giao thông, giảm thiểu ùn tắc trên các tuyến đường.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hieu-qua-tu-mo-rong-cac-truc-duong-87567.html