Hiệu quả từ mô hình 'dân vận khéo' ở Hà Nội

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh 'dân vận khéo thì việc gì cũng thành công', thời gian qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội có nhiều đổi mới trong công tác dân vận theo hướng chủ động, thiết thực, tập trung vào những việc mới, việc khó. Qua đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô và cả nước.

Cán bộ tổ dân phố 17 phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) cùng cảnh sát khu vực nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh bảo đảm trật tự đô thị.

Cán bộ tổ dân phố 17 phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) cùng cảnh sát khu vực nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh bảo đảm trật tự đô thị.

Tập trung vào việc mới, việc khó

Dù được nhận khá nhiều lời giới thiệu từ trước, nhưng khi tận mắt chứng kiến, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ, thán phục trước sự khang trang, sạch sẽ của các tuyến phố thuộc tổ dân phố 17 phường Khương Mai, quận Thanh Xuân. “Nếu các anh chị đến đây vào ngày cuối tuần sẽ thấy tuyến phố sạch hơn, bởi các hộ dân trong tổ đều chung tay dọn dẹp vệ sinh những khu vực công cộng”, Tổ trưởng dân phố Nguyễn Đức Châu nói.

Năm 2015, xuất phát từ thực tiễn, phong trào “bốn không” được ra đời tại tổ dân phố 17, gồm: Không có tệ nạn xã hội; không để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không có hộ nghèo. Xác định đây vừa là trách nhiệm, cũng vừa là quyền lợi của chính gia đình mình khi xây dựng mô hình ngõ phố xanh, sạch, đẹp, an toàn, cho nên tất cả các hộ dân của tổ dân phố đều đồng thuận hưởng ứng, tham gia nhiệt tình. Năm 2018, sau khi đạt được những kết quả rõ nét, trên cơ sở gợi ý của lãnh đạo thành phố, tổ dân phố 17 đã mạnh dạn nâng cấp thực hiện thêm một tiêu chí là không rác thải để trở thành mô hình “năm không”. Ông Nguyễn Đức Châu cho biết: “Chúng tôi kiên trì tuyên truyền, vận động người dân tích cực dọn dẹp vệ sinh, đổ rác thải đúng nơi, đúng giờ. Bên cạnh đó, tổ mạnh dạn huy động nguồn lực xã hội hóa, lắp đặt ca-mê-ra tại một số khu vực “nóng”, để vừa bảo đảm an ninh trật tự, vừa có bằng chứng nhắc nhở hộ vi phạm”.

Chủ tịch UBND phường Khương Mai Lưu Đình Lượng cho biết, từ mô hình hiệu quả tại tổ dân phố 17, phường đã triển khai nhân rộng mô hình này tại chín tổ nữa và thật sự tạo chuyển biến tại cơ sở. Hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động hiệu quả, người dân đồng thuận tham gia vào những công việc chung, cho nên giúp chính quyền phường “nhàn” hơn rất nhiều trong công tác quản lý, giúp cho địa bàn khang trang, sạch đẹp hơn nhiều.

Nói về vai trò của công tác dân vận tại cơ sở, Chủ tịch UBND phường Phương Mai (quận Đống Đa) Hoàng Thị Bảo Phương đánh giá, nếu không có “cánh tay nối dài” tại các tổ dân phố, sẽ khó thực hiện tốt được các nhiệm vụ chính trị. Tháng 3-2020, Bệnh viện Bạch Mai trở thành ổ dịch Covid-19 trong cả nước, phường Phương Mai trở thành “điểm nóng” khi có rất nhiều người bệnh, người nhà và cả một số cán bộ, bác sĩ cư trú trên địa bàn. “Bất kể ngày đêm, các cán bộ tổ dân phố, MTTQ, các đoàn thể của phường đều vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, đến từng hộ dân để rà soát, kiểm tra; rồi tham gia giám sát, giúp đỡ các trường hợp bị cách ly tại gia đình”, bà Hoàng Thị Bảo Phương chia sẻ.

Là một người thuộc diện cách ly ở nhà vì tiếp xúc gần với người bệnh mắc Covid-19, chị N.T.N ở phường Phương Mai bày tỏ sự xúc động vì thường xuyên được các bác ở tổ dân phố quan tâm, giúp đỡ mua giúp thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, thậm chí giúp cả việc đổ rác. Chị N cho biết: “Hết thời gian cách ly, việc tôi làm đầu tiên là viết thư cảm ơn các bác, những người đã hết lòng giúp tôi cùng gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Không chỉ tập trung vào những việc mới, việc khó, thực tế tại Hà Nội cho thấy phong trào thi đua “dân vận khéo” được triển khai sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong các tầng lớp nhân dân, nhất là việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện dân chủ ở cơ sở… Việc xây dựng các mô hình, điển hình “dân vận khéo” được triển khai đồng bộ trong bốn lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Và thực hiện theo ba cấp: thành phố; quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc thành ủy và cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp). Các mô hình “dân vận khéo” được đăng ký ngay từ đầu năm để làm tiêu chí thực hiện và đánh giá thi đua dịp cuối năm. Kết quả năm 2019, thành phố có 9.931 mô hình, điển hình “dân vận khéo”, trong đó, cấp thành phố là 764 mô hình; cấp quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc thành ủy có 2.852 mô hình; cấp cơ sở có 6.315 mô hình.

Từ đó đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình tiêu biểu. Trong dân vận chính quyền, có các mô hình “Xây dựng trang thông tin điện tử tiếp nhận ý kiến của người dân về chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức” của Sở Nội vụ Hà Nội, mô hình “Xây dựng tổ dân phố điện tử ứng dụng công nghệ thông tin” của tổ dân vận tổ dân phố số 7, phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm). Tại các địa bàn dân cư có nhiều mô hình “dân vận khéo” về giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được triển khai, như mô hình “Xây dựng đội tuyên truyền cơ động quận Hà Đông” của Hội Cựu chiến binh quận Hà Đông; mô hình “Vận động các hộ gia đình trang bị bình bọt phòng cháy, chữa cháy tại các khu tập thể phường Thượng Đình”, quận Thanh Xuân; mô hình “Tuyến đê nở hoa và lắp ca-mê-ra quan sát tại đường Nguyễn Khoái” của UBND phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai). Ở khu vực ngoại thành, có mô hình vận động nhân dân xây dựng thư viện 270 triệu đồng và hơn 2.000 đầu sách phục vụ đọc và mượn miễn phí của Chi bộ thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ), mô hình tặng thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, giúp đỡ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng của xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng)…

Bớt hành chính, sát dân hơn

Qua hơn 10 năm triển khai, tại Hà Nội, phong trào “Dân vận khéo” được các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở đẩy mạnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện, cho nên đã có sức lan tỏa và đạt hiệu quả thiết thực. Các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố Hà Nội được cải thiện qua các năm. Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng hơn 3 điểm, tiếp tục trụ vững ở vị trí thứ chín trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt. Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) xếp thứ hai trong số 63 tỉnh, thành phố, tăng bảy bậc so với năm 2015. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, dù chịu tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, song Hà Nội vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I đạt 3,72%. Quan trọng hơn, nhờ làm tốt công tác dân vận, nắm tình hình nhân dân, phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, Hà Nội dù là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, đến nay đang từng bước khôi phục, chuyển sang giai đoạn thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Để có được những kết quả trên, theo Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, công tác dân vận của thành phố đang từng bước được đổi mới, khắc phục tình trạng hành chính hóa, đi vào cụ thể hơn. Trong công tác dân vận chính quyền, bên cạnh việc chủ động xây dựng cơ chế phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Dân vận Thành ủy đẩy mạnh giám sát thông qua hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, trong đó tập trung giám sát chuyên đề những vấn đề, nội dung “nóng” dễ phát sinh tiêu cực như thuế, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng… để có những kiến nghị cụ thể với các cơ quan quản lý.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, hệ thống dân vận từ thành phố đến 5.100 tổ dân vận ở cơ sở cũng chủ động vào cuộc theo đúng tinh thần “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Khi một số địa bàn phải thực hiện cách ly, cán bộ dân vận vừa nắm bắt tâm tư, động viên nhân dân, vừa tham gia giúp đỡ bà con. Chính sự vào cuộc này đã góp phần quan trọng giúp thành phố chiến thắng dịch bệnh và tạo niềm tin rất lớn trong nhân dân.

Trong buổi làm việc mới đây với Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao vai trò của hệ thống dân vận Thủ đô, góp phần quan trọng tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng. Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận, đồng chí nhấn mạnh yêu cầu công tác dân vận cần phải gần dân, sát dân, hiểu dân; công tác dân vận ở cơ sở phải công khai, minh bạch theo đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng, không để dân chủ cơ sở chỉ là hình thức. Đồng thời đề nghị, Ban Dân vận Thành ủy và hệ thống dân vận các cấp cần có nhiều kế hoạch, đề án và nhiều mô hình “dân vận khéo” hơn, để công tác dân vận thật sự đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận từ cơ sở.

AN TRÂN và KHẢI LÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/44507802-hieu-qua-tu-mo-hinh-%E2%80%9Cdan-van-kheo%E2%80%9D-o-ha-noi.html