Hiệu quả từ mô hình Câu lạc bộ xanh

Sau 6 năm đi vào hoạt động, mô hình Câu lạc bộ (CLB) xanh Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu Bảo tồn, đóng tại xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để bảo vệ môi trường, thu hút ngày càng đông người dân tham gia.

Các thành viên Câu lạc bộ xanh tham gia tuyên truyền bảo vệ môi trường. Ảnh: T, An

Các thành viên Câu lạc bộ xanh tham gia tuyên truyền bảo vệ môi trường. Ảnh: T, An

Năm 2009, Khu Bảo tồn thành lập được 10 CLB xanh tại các trường THCS vùng đệm của đơn vị gồm: Trường THCS Mã Đà, Trường THCS Hiếu Liêm, Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ và Trường THCS Lê Quý Đôn với khoảng 300 học sinh tham gia. Hoạt động duy trì được một thời gian với nguồn kinh phí của WWF (Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên, thuộc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới), tuy nhiên đến năm 2011 thì WWF chuyển sang đầu tư cho đơn vị khác, hoạt động CLB xanh ở trường học cũng dừng lại do không có kinh phí hoạt động.

Từ năm 2013 đến nay, Khu Bảo tồn đã thành lập và đưa vào hoạt động được 12 CLB xanh trong người dân địa phương với 345 thành viên. Bên cạnh đó, năm 2016, Khu Bảo tồn đã thành lập và duy trì hoạt động 40 CLB xanh tại các trường học thuộc vùng đệm của đơn vị với 1,6 ngàn thành viên tham gia; nguồn kinh phí được trích từ Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014-2020.

CLB xanh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: ra quân dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường, trụ sở làm việc, trường học, khu dân cư, chợ, bến cá; tổ chức các đợt mít-tinh tuyên truyền về tác hại của túi ny-lông và kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng túi ny-lông nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học...

Đối với CLB xanh trường học, ngoài sinh hoạt chuyên đề với các nội dung về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, Khu Bảo tồn còn tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu về các loài động vật hoang dã; tổ chức những chuyến đi thực tế để giúp các em bổ sung kiến thức về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa - lịch sử. Qua đó nhằm vận động, cổ vũ các em học sinh có những hành động cụ thể nhằm bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa - lịch sử của địa phương.

Đến nay, các CLB Xanh được xem là những chiếc cầu nối quan trọng gắn liền Khu Bảo tồn với cộng đồng dân cư. Nhờ đó, các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cho người dân về bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học ngày càng được nâng cao cả về chất lượng và số lượng.

Thành An

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201912/hieu-qua-tu-mo-hinh-cau-lac-bo-xanh-2978643/