Hiệu quả từ mô hình ban quản lý an toàn thực phẩm

Mô hình ban quản lý an toàn thực phẩm (BQL ATTP) ra đời đã khắc phục được các hạn chế về phối hợp giữa các sở, ngành, đồng thời cho phép tập trung đầu mối quản lý ATTP đối với tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

 Kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ Hàn. Ảnh: VGP/Minh Trang

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ Hàn. Ảnh: VGP/Minh Trang

Nhằm khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành, góp phần giải quyết những bức xúc của vấn đề mất ATTP ở địa phương, UBND Đà Nẵng đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thí điểm thành lập BQL ATTP thực phẩm từ giữa năm 2017.

Qua 3 năm triển khai thí điểm, một trong những thay đổi rõ nét trong thời gian qua về lĩnh vực ATTP chính là cải thiện chất lượng thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các chợ. Tại buổi tổng kết 3 năm thí điểm thành lập BQL ATTP TP. Đà Nẵng được tổ chức vào hôm nay, 3/12, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP Thành phố cho biết, chợ truyền thống có vai trò là kênh phân phối thực phẩm chủ yếu đến người tiêu dùng. Đà Nẵng có 70 chợ. BQL ATTP đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện xây dựng các chợ đạt chuẩn về ATTP. Đến nay, Đà Nẵng đã có 8 chợ đạt được các tiêu chí về chợ ATTP.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn, thông tin đến người tiêu dùng những doanh nghiệp cam kết thực hiện tốt các quy định về ATTP, đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thông qua việc duy trì và nâng cao tiêu chuẩn liên quan vấn đề này.

Trong 2 năm 2018 và 2019, BQL đã kiểm tra cấp giấy chứng nhận cho 5.089/5.122 cơ sở, đạt tỷ lệ 99,35% cơ sở được phân cấp quản lý. Do phần lớn thực phẩm tiêu thụ tại Thành phố đều nhập từ các địa phương khác, vì vậy, BQL đã tổ chức ký kết hợp tác giám sát, kiểm soát bảo đảm ATTP với 7 địa phương có sản lượng nông, lâm, thủy sản cung cấp cho thành phố với số lượng lớn.

Những năm qua, BQL đã tổ chức 191 lớp tập huấn cho gần 20.000 người. Để cung cấp thông tin cho người dân, đơn vị đã triển khai chức năng tra cứu thông tin về ATTP qua tin nhắn SMS, Zalo với tổng số lượt tra cứu gần 9.000 lượt. Công tác thanh tra chuyên ngành về ATTP được triển khai thường xuyên, liên tục và đột xuất…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về ATTP vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, như hiện nay chưa có quy định BQL ATTP tham gia xử phạt vi phạm hành chính, nên việc thực thi pháp luật bị hạn chế. Mô hình tập trung đầu mối về quản lý ATTP mới triển khai ở cấp thành phố. Đối với cấp quận, huyện vẫn thực hiện phân công quản lý ATTP theo 3 ngành, với nguồn nhân lực mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm, nên việc kết nối quản lý theo hệ thống từ thành phố đến quận, huyện và phường, xã còn hạn chế.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, với hiệu quả từ mô hình này mang lại, UBND Thành phố tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép kéo dài thời gian thí điểm hoạt động BQL ATTP TP. Đà Nẵng thêm 3 năm, kể từ ngày 25/8/2020.

Minh Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/hieu-qua-tu-mo-hinh-ban-quan-ly-an-toan-thuc-pham/416001.vgp