Hiệu quả từ 'mắt thần' camera giám sát

Với vận tốc tối đa cho phép lên tới 90 km/h, vì vậy việc dừng, đỗ hay di chuyển chậm trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao là mối nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Thế nhưng, thời gian qua tình trạng xe khách dừng, đón, trả khách trái quy định trên tuyến đường Vành đai 3 vẫn diễn ra. Trước thực trạng đó, lực lượng CSGT TP. Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó đã triển khai phương án phạt nguội qua hệ thống camera giám sát.

Đội CSGT số 7 tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, xử lý phạt nguội qua hệ thống camera giám sát được lắp đặt trên đường Vành đai 3 trên cao

Đội CSGT số 7 tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, xử lý phạt nguội qua hệ thống camera giám sát được lắp đặt trên đường Vành đai 3 trên cao

Hiệu quả từ “mắt thần”

Để chấn chỉnh tình trạng trên, thời gian qua Đội CSGT số 7 (PC 08 - Công an TP. Hà Nội) ngoài việc tuyên truyền, nhắc nhở, tuần tra, xử lý vi phạm đã triển khai phương án phạt nguội qua hệ thống camera giám sát, bước đầu ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.

Theo Trung tá Nguyễn Đức Thắng - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT - Công an TP. Hà Nội), hệ thống camera cho phép giám sát các hành vi của người điều khiển phương tiện với độ chính xác cao, chụp ảnh và tự động nhận dạng biển số phương tiện vi phạm. Hình ảnh phương tiện vi phạm được ghi nhận qua hệ thống giám sát sẽ được truyền tải về trung tâm điều hành đặt tại Phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội), hỗ trợ lực lượng CSGT trong việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, khi phát hiện vi phạm, hệ thống này sẽ chia sẻ hình ảnh đến các tổ công tác đang làm nhiệm vụ trên đường để xử lý các phương tiện. Hoặc, lực lượng chức năng sẽ gửi hình ảnh cùng lỗi vi phạm đến các bến xe, Sở GTVT, các trung tâm đăng kiểm để xử phạt nguội.

Việc áp dụng phạt nguội thời gian qua trên địa bàn Đội CSGT số 7 phụ trách đã góp phần tạo hiệu quả trong việc xử lý các vi phạm. Bởi lẽ, không phải lúc nào lực lượng CSGT cũng có mặt tại các điểm thường xảy ra vi phạm. Cùng với đó, với tâm lý khi vắng bóng CSGT thì các tài xế tranh thủ vi phạm. Vì vậy, áp dụng phạt nguội bằng camera ghi hình góp phần nâng cao ý thức của người dân khi không có mặt lực lượng CSGT.

Ngoài việc phát hiện và xử lý vi phạm TTATGT, hệ thống camera giám sát còn hỗ trợ đắc lực cho công tác điều tiết, phân luồng giao thông, giảm ùn tắc trên các tuyến đường, lưu trữ thông tin hình ảnh nhằm phục vụ công tác điều tra, phòng chống tội phạm trên tuyến, tìm hiểu diễn biến và nguyên nhân tai nạn, xác định đối tượng gây TNGT.

Theo thống kê của Đội CSGT số 7, trong 3 tháng đầu năm 2019 đơn vị đã xử lý 350 trường hợp xe khách vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó có hơn 100 trường hợp bị CSGT xử phạt qua hệ thống camera giám sát và các tổ tuần tra lưu động ghi hình.

Theo Trung tá Nguyễn Đức Thắng, hệ thống giám sát và xử lý vi phạm an toàn trật tự giao thông qua hệ thống camera được kỳ vọng sẽ giảm thiểu TNGT trên cả 3 tiêu chí: Số người chết, số người bị thương và số vụ, đồng thời nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Hệ thống giám sát sẽ giúp giảm bớt sự có mặt thường xuyên và các biện pháp tuần tra kiểm soát mà lực lượng CSGT đang thực hiện, từng bước hiện đại hóa quy trình xử lý vi phạm, nâng cao ý thức và trách nhiệm của cán bộ CSGT.

Cần tăng tính “ưu việt”

Hệ thống camera giám sát giao thông được lắp đặt trên đường Giải Phóng, TP. Hà Nội

Đồng quan điểm, Trung tá Phạm Tuấn Anh - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT - Công an TP. Hà Nội) cho biết, hiện nay trên tuyến đường Giải Phóng nhiều nhà xe thường tranh thủ sự vắng mặt của các lực lượng chức năng để đón, trả khách sai quy định. Thậm chí, một số nhà xe còn có hành vi chạy vòng vo đón khách làm tăng áp lực giao thông.

Trung tá Phạm Tuấn Anh cho biết, hiện nay trên tuyến đường Giải Phóng đã được trang bị hệ thống camera giám sát, nhưng vì một số lý do nên công tác xử lý vi phạm chưa đạt hiệu quả cao. Điều này cần được khắc phục trong thời gian tới. “Để nâng cao hiệu quả quản lý giao thông, các đơn vị chức năng cần đẩy nhanh việc triển khai phạt nguội đối với các vi phạm TTATGT bởi sẽ không có lực lượng nào đủ sức trải quân trên tất cả các tuyến đường, nút giao 24/24 giờ để phát hiện và xử lý vi phạm”, Trung tá Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Xung quanh vấn đề này, một số chuyên gia lĩnh vực GTVT cho rằng, sử dụng hình ảnh từ hệ thống camera làm căn cứ để xử lý vi phạm khiến lái xe sẽ có tâm lý bị giám sát mọi lúc, mọi nơi trong suốt hành trình. Qua đó, lái xe sẽ có ý thức hơn trong việc chấp hành luật giao thông, điều đó cũng có nghĩa những nguy cơ mất an toàn sẽ được hạn chế.

Tại Việt Nam hiện nay, lực lượng tuần tra không thể có mặt trên tất cả tuyến đường 24/24 giờ, vì vậy khả năng phát hiện sai phạm thấp cũng như người dân chấp hành luật theo kiểu đối phó. Do vậy, để việc xử phạt vi phạm giao thông mang tính răn đe, hiệu quả cao và được người dân đồng thuận, các cơ quan chức năng cần cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông; áp dụng hình thức xử phạt bằng camera trên tất cả tuyến đường; có biện pháp giám sát chặt chẽ CSGT, TTGT khi tuần tra kiểm soát trên đường nhằm tránh phát sinh tiêu cực.

Việc tăng mức phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ là một trong những giải pháp đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng biện pháp chế tài thu tiền phạt phải được thực hiện một cách triệt để thì mới đem lại hiệu quả như mong muốn...

Để thực hiện việc thu tiền phạt triệt để cần phải bổ sung thêm biện pháp chế tài khác đảm bảo việc truy thu tiền phạt qua lương, tài khoản cá nhân… Riêng các đối tượng không có điều kiện tài chính hoặc cố tình không nộp phạt thì buộc áp dụng biện pháp chế tài mạnh tay và mang tính răn đe hơn

Hiểu Minh

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/hieu-qua-tu-mat-than-camera-giam-sat-d76418.html