Hiệu quả từ giải pháp hỗ trợ trẻ khuyết tật, tự kỷ

Từ năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT đã thí điểm thực hiện Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại 6 địa phương trong tỉnh là: Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Cẩm Phả và Móng Cái. Đến nay, hoạt động của Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập đã bước đầu đem lại những kết quả đáng ghi nhận, trở thành giải pháp hiệu quả trong việc giáo dục, chăm sóc cho trẻ khuyết tật, tự kỷ.

Cô giáo Phạm Thị Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Đông Mai (TX Quảng Yên) giảng dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ tại Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập của trường.

Cô giáo Phạm Thị Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Đông Mai (TX Quảng Yên) giảng dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ tại Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập của trường.

Tại Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập của Trường Tiểu học Đông Mai (TX Quảng Yên), không khí học tập của trẻ khuyết tật, tự kỷ rất tích cực, hăng say. Lớp học đặc biệt này còn có sự đồng hành của các bậc phụ huynh. Cô giáo Phạm Thị Thảo, giáo viên dạy tại Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập, Trường Tiểu học Đông Mai, cho hay: Lớp chỉ có 5, 6 em. Mỗi em bị một thể khuyết tật khác nhau, có em thì khuyết tật vận động, có em khuyết tật trí tuệ... Được sự động viên của giáo viên, các bậc phụ huynh cũng thường xuyên đến lớp để hỗ trợ con cải thiện các kỹ năng về vận động, tư duy. Sau 2 năm học triển khai, hầu hết các phụ huynh đều rất ủng hộ, phấn khởi. Các em thì tiến bộ rõ rệt qua từng giai đoạn, từng thời kỳ.

Anh Phạm Quốc Đạt, phụ huynh học sinh đang tham gia Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại Trường Tiểu học Đông Mai chia sẻ: Tôi hoàn toàn ủng hộ hoạt động của Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại trường. Các cô giáo giảng dạy rất tâm huyết, nhiệt tình. Tôi thường tới trường để đồng hành, hỗ trợ con cải thiện các kỹ năng.

Theo Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) Vũ Thị Thúy Hà, năm học 2018-2019 ngành giáo dục đã được UBND tỉnh đầu tư trang bị 6 Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại 6 trường tiểu học, là: Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long); Đông Mai (TX Quảng Yên); Yên Thanh (TP Uông Bí); Cẩm Trung (TP Cẩm Phả); Hải Xuân (TP Móng Cái); Bình Khê 1 (TX Đông Triều). Sau 2 năm học thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 120 học sinh khuyết tật, tự kỷ cấp tiểu học được tham gia hỗ trợ. Việc hỗ trợ, can thiệp cho học sinh khuyết tật, tự kỷ đã từng bước đem lại hiệu quả thiết thực.

Tham gia các tiết học của trẻ còn có sự đồng hành của các bậc phụ huynh. Ảnh chụp cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường Tiểu học Đông Mai, TX Quảng Yên giúp trẻ hoàn thiện các kỹ năng cần thiết.

Để hoạt động của các phòng này hiệu quả, Sở GD&ĐT thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên đề cho các cán bộ, giáo viên tiểu học trong tỉnh, đặc biệt là giáo viên giảng dạy tại các phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập. Thông qua những buổi tập huấn này, cán bộ, giáo viên đã được chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi học tập về cách thức tổ chức hoạt động phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập của các trường tiểu học; các kĩ thuật chăm sóc, hỗ trợ, can thiệp trẻ khuyết tật, tự kỷ của các trung tâm giáo dục hòa nhập. Trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm để các đơn vị trong toàn tỉnh học tập, đồng thời nhân rộng, phát huy các điểm mạnh, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đồng thời có những đề xuất tham mưu với cấp trên để giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện, nhằm hỗ trợ có hiệu quả công tác giáo dục trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Được biết, tại 5 phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập còn lại cũng đang hoạt động rất hiệu quả. Cô giáo Lê Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long) chia sẻ: Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại trường được trang bị khá đầy đủ, gồm: Ti vi, máy chiếu, máy tính, bàn ghế đơn, trang thiết bị học tập. Nhờ có Phòng hỗ trợ giáo dục, trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ đã được tăng cường, rèn luyện kỹ năng đặc thù, phương pháp chuyên biệt, giúp các em nhanh chóng hòa nhập với các bạn cùng trang lứa.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT, hiện toàn tỉnh có gần 300 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS đang tổ chức hoạt động giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, tự kỷ. Số trẻ khuyết tật, tự kỷ trong độ tuổi từ 2-14 được huy động ra lớp là trên 1.000 em (chiếm tỷ lệ gần 80%). Tin rằng, thời gian tới, ngành giáo dục sẽ có thêm nhiều phòng học để công tác giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật, tự kỷ ngày một nâng lên, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của nhân dân.

Lan Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/doi-song/201912/hieu-qua-tu-giai-phap-ho-tro-tre-khuyet-tat-tu-ky-2465667/