Hiệu quả từ cuộc thi hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông

Nhằm giúp các em học sinh (HS) bậc Trung học phổ thông (THPT) có lựa chọn tốt nhất để bước vào cánh cổng đại học, mô hình hướng nghiệp thông qua việc tổ chức cuộc thi đã giúp chuyển tải các thông tin về các trường đại học đến với hàng trăm nghìn học sinh trên toàn quốc một cách nhẹ nhàng nhưng hiệu quả rất lớn.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh (SAC) thuộc Thành đoàn thành phố Lê Xuân Dũng, cho biết: Mô hình được triển khai từ tháng 10-2012, thay vì tổ chức các buổi hướng nghiệp trực tiếp tại các trường cho các em bậc THPT, Trung tâm đã phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, tỉnh, thành đoàn tại các địa phương triển khai công tác hướng nghiệp này thành một cuộc thi với bốn vòng gồm: Sơ loại, bán kết, chung kết và chung kết xếp hạng. Các em HS tham gia sân chơi này sẽ thực hiện bài dự thi về “ước mơ nghề nghiệp” của bản thân tham gia vòng sơ loại. Sau mỗi vòng thi, các thí sinh xuất sắc nhất sẽ lọt vào vòng trong và năm thí sinh xuất sắc cuối cùng sẽ tham gia các phần thi đặc thù tại vòng chung kết xếp hạng. Nội dung của các vòng thi xoay quanh “ước mơ nghề nghiệp” tương lai của bản thân; các kỹ năng như: Tư duy sáng tạo, nói chuyện thuyết phục, thuyết trình, kỹ năng xây dựng và lập kế hoạch thực hiện ước mơ. Các thí sinh (TS) cũng sẽ phải thuyết trình về ước mơ, quá trình chuẩn bị, kế hoạch thực hiện ước mơ của mình và phản biện trước hội đồng giám khảo. Ở vòng chung kết, các TS xuất sắc nhất sẽ nhập vai xử lý tình huống nghề nghiệp với đồng môn tương lai, thuyết trình về ước mơ nghề nghiệp của bản thân trước ban giám khảo để tranh giải tại chương trình vòng chung kết. Từ năm 2013, để tăng sự hấp dẫn cho các TS lọt vào vòng chung kết, các em sẽ được kiến tập thực tế, thực hiện một số công việc liên quan đến ngành nghề mình yêu thích và thực hiện các thử thách do cuộc thi đưa ra. Kết thúc kỳ tham quan thực tế, TS thực hiện bài nghiệm thu, mô tả công việc thực tế của ngành nghề mình yêu thích, đánh giá giá trị nghề nghiệp từ các hoạt động đã tham gia, đồng thời TS cũng sẽ được doanh nghiệp đánh giá về thái độ khi tham gia tham quan kiến tập và mức độ phù hợp với nghề nghiệp.

Đoạt Giải nhất cuộc thi “Thực hiện ước mơ” lần ba, bạn Huỳnh Ngọc Thiên An, HS Trường THPT Gia Định, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Trước đây, bản thân rất rụt rè, nhút nhát, không xác định được thích nghề nào nhưng sau khi tham gia cuộc thi, em hiểu rằng, khi mình tự tin thì sẽ xác định được mục tiêu và ước mơ trong cuộc sống". Giờ đây, Thiên An đang nỗ lực từng ngày để thực hiện ước mơ trở thành doanh nhân. Nhận xét về cuộc thi hướng nghiệp cho học sinh, bà Hồ Bạch Chiêu Anh, mẹ của một học sinh tại TP Hồ Chí Minh cho biết: "Bản thân cháu và gia đình trước đây cũng rất lúng túng khi xác định nghề nghiệp cho nên đã nộp rất nhiều hồ sơ vào các trường đại học, nhưng sau khi tham gia cuộc thi này, cháu đã quyết định theo nghề bác sĩ. Khi đã xác định được mục tiêu, các cháu sẽ có động lực để theo đuổi đam mê và mục tiêu đã đề ra".

Từ những hiệu quả thiết thực, hiện nay mô hình cuộc thi hướng nghiệp đã lan rộng đến các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên khắp cả nước, mang ước mơ, niềm tin đến với hàng nghìn học sinh. Nếu như năm học 2012 - 2013, cuộc thi chỉ được tổ chức tại 20 trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, thu hút 10 nghìn HS tham gia thì hai năm sau đó (năm học 2014 - 2015), cuộc thi đã trải rộng đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ thu hút hơn 150 nghìn lượt HS tham gia. Và trong lần thứ sáu tổ chức vừa qua (năm học 2017-2018), cuộc thi được triển khai trên toàn quốc, thu hút hơn 200 nghìn HS tiếp cận, tham gia. Theo Phó Giám đốc Lê Xuân Dũng, từ khi ra đời đến nay, mô hình này đã tiếp cận 750 nghìn HS qua đó tiếp sức, động viên các em trong việc lựa chọn ước mơ của mình.

Bên cạnh cuộc thi “Thực hiện ước mơ”, SAC cũng tổ chức những nội dung khác để phối hợp với các trường triển khai công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS, giáo viên và phụ huynh HS được hiệu quả hơn. Tiêu biểu như chuyên đề “Định hướng tương lai” và “Tôi có một ước mơ”. Các chuyên đề này được các trường tổ chức vào giờ chào cờ đầu tuần hoặc hình thức hội thảo chuyên đề tại hội trường, giúp HS nhận thức rõ ràng về ước mơ nghề nghiệp và cách thức xây dựng hành trình thực hiện ước mơ nghề nghiệp tương lai. Đánh giá về mô hình này, Phó Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Hải cho biết: Những kết quả mà mô hình mang lại đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của HS trong việc tìm kiếm sân chơi khám phá bản thân và tìm hiểu nghề nghiệp phù hợp. Số lượng các em HS tiếp cận và tham gia cuộc thi và các chuyên đề ngày một lớn đã khẳng định hiệu quả của mô hình này.

Với những kết quả và hiệu quả có sức tác động tích cực đến xã hội, nhất là các em học sinh, mô hình, sáng kiến “Thực hiện ước mơ” đã vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2019 do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức. Đây là giải thưởng mang tên Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bí thư đầu tiên của Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành đoàn TP Hồ Chí Minh).

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/39744502-hieu-qua-tu-cuoc-thi-huong-nghiep-cho-hoc-sinh-trung-hoc-pho-thong.html