Hiệu quả từ công tác luân chuyển cán bộ

Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp cơ sở, đáp ứng đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới, những năm gần đây, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động luân chuyển cán bộ. Qua đó, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở được củng cố, hoạt động đạt hiệu quả, tạo bước đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Đào Thị Thanh Mai, Bí thư Đảng ủy thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc, Lạng Sơn) là cán bộ luân chuyển, đang điều hành cuộc họp Đảng ủy triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Đồng chí Đào Thị Thanh Mai, Bí thư Đảng ủy thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc, Lạng Sơn) là cán bộ luân chuyển, đang điều hành cuộc họp Đảng ủy triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Đồng chí Trần Lệnh Trưởng, Bí thư Đảng ủy phường Chi Lăng (TP Lạng Sơn), mới được luân chuyển từ tháng 7-2017, được đánh giá là bí thư năng nổ, có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy. Trước khi được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy phường, đồng chí Trưởng đã trải qua các vị trí công tác như: Phó ban Tuyên giáo Thành ủy, Chánh Văn phòng UBND thành phố Lạng Sơn, cho nên khi luân chuyển đã nắm bắt nhanh công việc, tạo sự đồng thuận trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn là nơi có quần thể di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như động Tam Thanh, Tô Thị... Trước năm 2014, nguồn cán bộ ở phường Tam Thanh rất hiếm, chỉ có một số ít cán bộ là bộ đội về hưu, mất sức trở về, hoặc cán bộ ở cơ sở nhưng trình độ lại hạn chế, chưa được đào tạo về công tác đảng, chính quyền... Để tập trung phát triển tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từ năm 2014 đến nay, Thành ủy Lạng Sơn đã quyết định luân chuyển các đồng chí là phó phòng thuộc các ban của Thành ủy đến làm Chủ tịch UBND phường. Đồng chí Đỗ Hồng Nhâm, Bí thư Đảng ủy phường Tam Thanh cho biết: Những cán bộ được điều động, luân chuyển đều làm tốt nhiệm vụ do được nhân dân, cán bộ địa phương ủng hộ, tín nhiệm. Tuy nhiên, với số cán bộ luân chuyển về do thời gian ngắn, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, dẫn đến phân công nhiệm vụ, quyết định xử lý các công việc đôi lúc còn lúng túng, hiệu quả chưa cao...

Đồng chí Long Minh Tùng, sinh năm 1983, nguyên là cán bộ Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chi Lăng, tháng 7-2017, được điều động, luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Vân Thủy. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã Vân Thủy chiếm hơn 42%, cán bộ có trình độ không đồng đều, cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu. Với kiến thức lâm nghiệp được học tại trường đại học, đồng chí Tùng đã cùng với tập thể Đảng ủy xã vận động thành lập HTX nuôi ong, ban đầu có 23 thành viên tham gia và hoạt động có hiệu quả. Hiện, số hộ nuôi ong tăng, sản lượng, giá cả cũng tăng lên, sản phẩm mật ong ngũ gia bì Vân Thủy do HTX nuôi ong Vân Thủy làm ra thường không đủ bán. “Thời gian tới, tôi sẽ cùng với cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo người dân chuyển đổi một số diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng các loại cây ăn quả, phát triển lâm nghiệp và chuyển sang trồng một số cây có giá trị kinh tế cao như: ớt, bí xanh, khoai tây…”, đồng chí Long Minh Tùng cho biết thêm.

Khác với xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, năm 2017, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn vừa củng cố tổ chức đảng, vừa chỉ đạo để về đích nông thôn mới cho nên nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề. Chủ tịch UBND xã Đồng Ý, Hoàng Văn Tú giãi bày: Sau khi được Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Sơn phân công về làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND xã, tôi kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, sau đó họp bàn trong tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành thống nhất phân công cấp ủy viên phụ trách dự sinh hoạt tại các chi bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới… Năm 2017, Đảng bộ được công nhận đạt trong sạch, vững mạnh và xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, toàn tỉnh đã có 137 cán bộ lãnh đạo, quản lý được luân chuyển, trong đó luân chuyển từ huyện, thành phố về xã, phường, thị trấn là 36 trường hợp, luân chuyển ngang giữa các xã, phường, thị trấn là 46 trường hợp. Một số huyện luân chuyển nhiều cán bộ như: Lộc Bình, Hữu Lũng, Bắc Sơn, Tràng Định, TP Lạng Sơn. Các cán bộ luân chuyển đều có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt ở cơ sở từ phó chủ tịch, chủ tịch UBND, phó bí thư, bí thư các đảng bộ xã, phường, thị trấn. Đồng chí Phạm Đức Huân, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Lạng Sơn chia sẻ: Cùng với những kết quả rõ rệt, công tác luân chuyển cán bộ vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Đó là, chưa cụ thể hóa, lượng hóa được các tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức cho nên kết quả đánh giá chưa phản ánh đúng thực chất. Đội ngũ cán bộ, công chức tuy đủ về số lượng nhưng chất lượng, năng lực còn hạn chế cho nên khó khăn trong tạo nguồn quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Địa phương chưa thực hiện được việc luân chuyển cán bộ từ phường, xã lên thành phố, do vướng mắc trong việc phân biệt giữa cán bộ, công chức cấp xã và cấp huyện...

Về phương hướng công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 42-KH/TU, ngày 23-8-2017 về luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020. Theo đó, từ nay đến năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu thực hiện luân chuyển từ 32 đến 40 đồng chí cán bộ trong diện quy hoạch Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy quản lý, trong đó luân chuyển từ tỉnh về huyện và từ huyện lên tỉnh từ 18 đến 22 đồng chí, luân chuyển từ ngành này sang ngành khác, địa phương này sang địa phương khác từ 14 đến 18 đồng chí. Trước mắt, tỉnh cố gắng thực hiện trong thường trực cấp ủy cấp huyện phải có ít nhất một người không phải là người địa phương. UBND tỉnh có quyết định về chính sách đối với cán bộ luân chuyển. Nếu lương và phụ cấp chức vụ của cán bộ được luân chuyển đến vị trí mới thấp hơn thì cán bộ được hưởng bảo lưu mức lương và phụ cấp của chức vụ trước khi luân chuyển. Tỉnh hỗ trợ kinh phí một lần khi cán bộ luân chuyển đến các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh là ba triệu đồng, khi cán bộ luân chuyển đến các xã và thị trấn khu vực 2 là bốn triệu đồng, khi cán bộ luân chuyển đến các xã khu vực 3 và các xã thuộc Chương trình 135 là năm triệu đồng. Cùng với tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, việc hoàn thiện các chính sách và phương pháp đánh giá cán bộ luân chuyển theo hướng sát với tình hình thực tế góp phần đưa công tác luân chuyển cán bộ thành nền nếp, đạt hiệu quả cao hơn.

HÙNG TRÁNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/36300702-hieu-qua-tu-cong-tac-luan-chuyen-can-bo.html