Hiệu quả từ chương trình giao thương kết nối cung - cầu: Góc nhìn từ Thủ đô Hà Nội

Thời gian qua, chương trình kết nối giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước đã và đang nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Qua đó, giúp Hà Nội giảm bớt áp lực cung cầu hàng hóa, quảng bá cho doanh nghiệp Việt, hàng Việt góp phần bình ổn thị trường…

Ổn định nguồn cung cấp hàng hóa

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết và ký kết các biên bản ghi nhớ với trên 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố như: Hòa Bình, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Lạng Sơn, Trà Vinh, Đồng Tháp… đã tạo ra nhiều cơ hội liên kết hợp tác kinh tế cũng như định hướng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô khi tăng cường khai thác nhiều thế mạnh của các địa phương, thúc đẩy tiêu thụ thông qua hệ thống phân phối của Hà Nội và tăng cường các kênh kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Việc tổ chức các chương trình giao thương giúp Hà Nội giảm áp lực kết nối cung cầu hàng hóa.

Số liệu từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội cho thấy, từ năm 2016 - 2018, Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức 2 hội nghị, 28 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, hoa quả các loại, 18 tuần lễ trái cây, nông sản, ký kết gần 1000 biên bản ghi nhớ…trong đó, có trên 500 sản phẩm mới được các nhà phân phối của Hà Nội kết nối, tiêu thụ vào kênh phân phối trên địa bàn Thành phố và triển khai vào hệ thống phân phối trên toàn quốc.

Đánh giá về thị trường bán lẻ hiện nay, tại Hội nghị “Kết nối giao thương, kết nối cung – cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố năm 2018”, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, hiện nay thị trường nội địa đã trở thành cơ sở cho sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế và tạo ra giá trị khoảng14-15% GDP.

Đồng thời, thu hút khoảng 6 - 7 triệu lao động, chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội, doanh thu bán lẻ và dịch vụ không ngừng tăng và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Đề cập đến thành công của các chương trình kết nối giao thương, bà Trần Thị Phương Lan Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sau khi các chương trình giao thương diễn ra, nhiều địa phương đã chủ động đề xuất các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm, qua đó giúp doanh nghiệp chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, đặc biệt khắc phục được tình trạng được mùa mất giá.

Mặt khác, Sở Công Thương Hà Nội đã cùng Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội, cùng các doanh nghiệp bán lẻ Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh trong việc cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm đạt tiêu chuẩn tốt nhất trước khi được tiêu thụ trong các hệ thống bán lẻ hiện đại.

Có thể thấy, cùng với việc tổ chức các hội nghị, sự kiện kết nối giao thương, Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành cung cấp danh sách các nhà sản xuất cho các nhà kinh doanh, phân phối để hỗ trợ kết nối trực tiếp 25 tỉnh, thành đưa sản phẩm trái cây đến 766 hộ kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận nội thành và các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối. Hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm nhằm quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, kết nối Nhà sản xuất - Nhà phân phối - Người tiêu dùng, góp phần đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hà Nội…

Đánh giá về thị trường bán lẻ hiện nay, tại Hội nghị “Kết nối giao thương, kết nối cung – cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố năm 2018”, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, hiện nay thị trường nội địa đã trở thành cơ sở cho sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế và tạo ra giá trị khoảng14-15% GDP. Đồng thời, thu hút khoảng 6 - 7 triệu lao động, chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội, doanh thu bán lẻ và dịch vụ không ngừng tăng và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

“Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các Bộ, ban ngành; Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, quảng bá cho doanh nghiệp Việt, hàng Việt góp phần bình ổn thị trường và tạo chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước phục vụ người dân và xuất khẩu cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa...”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Biến thách thức thành cơ hội

Số liệu thống kê từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, với thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, cùng mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước gồm 22 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 454 chợ, gần 1.000 hệ thống cửa hàng tiện lợi, 766 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn của 12 quận nội thành, trên 65 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm…

Hà Nội được đánh giá là thị trường bán lẻ mới nổi, được bình chọn đứng thứ 13/19 thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới; lọt vào top 3 thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Số liệu thống kê từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, với thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, cùng mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước gồm 22 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 454 chợ, gần 1.000 hệ thống cửa hàng tiện lợi, 766 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn của 12 quận nội thành, trên 65 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm… Hà Nội được đánh giá là thị trường bán lẻ mới nổi, được bình chọn đứng thứ 13/19 thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới; lọt vào top 3 thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Với những tiềm năng trên, Hà Nội có rất nhiều thuận lợi để kết nối giao thương, nhưng cũng gặp không ít thách thức liên quan đến vấn đề cung cầu hàng hóa. Bởi lẽ, hiện nay mặc dù nhiều sản phẩm có thế mạnh của địa phương được các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội đưa vào kênh tiêu thụ hiện đại, nhưng cho tới nay vẫn còn ít những doanh nghiệp lớn làm đầu mối mua hàng hóa cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất…dẫn đến khi các doanh nghiệp của Hà Nội cần lượng hàng lớn với chất lượng đảm bảo, đồng nhất gặp khó khăn.

Để giải quyết những thách thức trên, thời gian qua cùng với việc Hà Nội đẩy mạnh triển khai các chương trình kết nối giao thương, thì các doanh nghiệp kinh doanh thương mại của Hà Nội cũng đã và đang tích cực đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất. Đặc biệt xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, VietGHAP, Global GAP, sản xuất theo hướng hữu cơ…chuẩn hóa quy trình sản xuất cho các chuỗi để đảm bảo tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đồng đều, đảm bảo các tiêu chí về hàng rào kỹ thuật theo yêu cầu.

Cùng với đó, nâng cao kết nối giữa 6 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng (ngân hàng), nhà phân phối). Thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, tiêu thụ nông sản của địa phương (Hội nghị giao thương, hội chợ...) và tiến tới xuất khẩu (đưa sản phẩm vào chế biến, tham gia các Tuần hàng Việt tổ chức tại hệ thống phân phối nước ngoài tại Pháp, Nhật, Ý, Thái Lan, chợ đầu mối Rungis- Pháp... theo Chương trình do Bộ Công Thương, thành phố Hà Nội tổ chức).

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc triển khai chương trình giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước thời gian qua là chìa khóa giúp Hà Nội giảm bớt áp lực cung cầu hàng hóa. Đồng thời, là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tăng cường kết nối giao thương, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu. Đặc biệt, giúp thị trường bình ổn giá, đảm bảo nguồn cung thường xuyên cho thị trường Hà Nội nói riêng, cũng như đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm cho các thị trường lân cận, tạo ra chuỗi cung ứng khép kín, hiện đại, hướng đến sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hieu-qua-tu-chuong-trinh-giao-thuong-ket-noi-cung-cau-goc-nhin-tu-thu-do-ha-noi-83465.html