Hiệu quả trong xây dựng thôn văn hóa ở huyện Quảng Xương

Phong trào xây dựng thôn, khu phố văn hóa trên địa bàn huyện Quảng Xương trong những năm qua rất sôi nổi, tạo khi thế thi đua trong các tầng lớp Nhân dân. Quá trình xây dựng phong trào đã được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo sát sao, với nhiều giải pháp thiết thực, do đó phong trào đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng...

Đoạn đường do Hội Phụ nữ xã Quảng Định tự quản luôn xanh – sạch – đẹp.

Thôn Tiên Vệ, xã Quảng Định trong nhiều năm qua luôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa. Đây là 1 trong những thôn tiêu biểu ở xã Quảng Định, luôn dẫn đầu trong các phong trào. Thôn có 217 hộ, 978 nhân khẩu. Hiện mức thu nhập bình quân đầu người ở đây là 57 triệu đồng/năm, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 92%. Cũng như nhiều người dân ở xã Quảng Định, người dân thôn Tiên Vệ cần cù, chịu thương, chịu khó và luôn đoàn kết, gắn bó trong mọi hoàn cảnh. Ông Phạm Công Thuận, trưởng thôn Tiên Vệ cho biết: Người dân trong thôn luôn tích cực tham gia các phong trào với trách nhiệm cao. Từ phong trào văn nghệ, thể thao đến thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, đặc biệt trong xây dựng thôn nông thôn mới, nếu không có sự đồng thuận của bà con thì khó mà hoàn thành được các tiêu chí. Chính vì vậy thôn Tiên Vệ đã được chọn làm điểm để xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đối với xã Quảng Trường, từ làng Phúc Lộc được công nhận sớm nhất vào năm 1999 và được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh năm 2002 thì đến nay 8/8 thôn đều đã được công nhận là thôn văn hóa và hàng năm được công nhận lại theo đúng quy định. Cái khó nhất trong xây dựng thôn văn hóa ở Quảng Trường đó là có một số tiêu chí thấp như thu nhập, nhà ở và công trình vệ sinh đã ảnh hưởng đến việc công nhận thôn văn hóa. Tuy nhiên, với sự đồng thuận cao của người dân thì các tiêu chí này cũng đã sớm được hoàn thành. Ông Nguyễn Ngọc Giáp, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quảng Trường cho biết: Hiện nay, giữ vững được danh hiệu thôn, làng văn hóa là không khó. Thu nhập, giải quyết việc làm là số 1 nhưng khi ý thức đã có, sự vào cuộc của các cấp, các ngành rất tập trung, nền tảng cơ sở vật chất cơ bản đã hình thành thì vấn đề phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ sẽ nâng cao được hơn nữa các tiêu chí.

Việc nâng cao chất lượng thôn văn hóa sau khi được công nhận là rất cần thiết vì vậy UBND huyện Quảng Xương đã xây dựng Phương án số 11/PA-UBND ngày 18-6-2008 về việc xây dựng thôn văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2008 - 2011, đến hết năm 2011 toàn huyện đã công nhận được 5 thôn văn hóa tiêu biểu. Để tiếp tục nâng cao chất lượng các thôn văn hóa trong thời gian tiếp theo, UBND huyện đã có Công văn số 356/UBND-VH ngày 22-5-2012 về việc tiếp tục thực hiện phương án xây dựng thôn văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2012 - 2015.

Từ năm 2012 đến năm 2015 UBND huyện đã công nhận lại danh hiệu cho 90 thôn bảo đảm chất lượng tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Bà Dương Thị Tường Vân, Phó trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Quảng Xương cho biết: Số lượng, chất lượng thôn văn hóa được tăng lên góp phần đáng kể vào sự nghiệp nâng cao dân trí, số hộ nghèo giảm, hộ giàu tăng lên, ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ trong sản xuất, khó khăn, hoạn nạn được khơi dậy. Hoạt động văn hóa sôi động có chất lượng hơn, nhiều câu lạc bộ được thành lập, nhiều thiết chế văn hóa được quan tâm xây dựng, tạo điều kiện cho mỗi người dân, mỗi gia đình tự chủ trong sản xuất và sinh hoạt văn hóa. Phong trào xây dựng thôn văn hóa đã tạo bước khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới phù hợp với yêu cầu đổi mới của đất nước trong thời kỳ CNH, HĐH.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/moi-truong/hieu-qua-trong-xay-dung-thon-van-hoa-o-huyen-quang-xuong/123871.htm