Hiệu quả trong triển khai bệnh viện vệ tinh ở tuyến dưới

Nhiều bệnh viện tuyến trên tại TP Hồ Chí Minh đã hình thành bệnh viện vệ tinh là các bệnh viện quận, huyện; bệnh viện quận, huyện cũng từng bước triển khai các phòng khám vệ tinh đặt tại trạm y tế. Cách làm này vừa nâng cao trình độ chuyên môn vừa giúp bệnh viện tuyến dưới sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư; giúp người dân được khám, chữa bệnh ngay tại cơ sở và giúp giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Khám bệnh cho người dân tại phòng khám vệ tinh ở Trạm y tế phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Đến tháng 11-2018, sau hơn sáu tháng chính thức triển khai kỹ thuật phẫu thuật tim hở do Viện Tim TP Hồ Chí Minh chuyển giao, Bệnh viện quận Thủ Đức đã phẫu thuật thành công 40 người bệnh mắc bệnh tim các loại. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức, ê-kíp phẫu thuật tim hở của bệnh viện đủ năng lực phẫu thuật tim hở từ các khâu: đóng thông liên nhĩ, đóng thông liên thất, cột - cắt ống động mạch; thay van hai lá; thay van động mạch chủ; đặt huyết áp động mạch xâm lấn, đặt catheter tĩnh mạch trung ương; siêu âm tim qua thực quản; sử dụng thuốc trong mổ tim thuần phục; sử dụng dung dịch tinh thể bảo quản cơ tim; theo dõi và xử lý tốt các tình huống sau mổ, sử dụng thành thạo máy thở, máy tạo nhịp và các thuốc chuyên dùng.

Cùng với Bệnh viện quận Thủ Đức, bệnh viện các quận: 2, 9, Tân Phú, huyện Củ Chi cũng nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật cao để có thể thực hiện cấp cứu, điều trị tại chỗ cho hàng nghìn người bệnh, tận dụng tốt khoảng “thời gian vàng” và giảm quá tải cho tuyến trên, tạo niềm tin vào y tế cơ sở. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, với gần 200 nghìn ca cấp cứu trong chín tháng đầu năm 2018 đã cho thấy hoạt động cấp cứu tại các bệnh viện tại thành phố là một trong những hoạt động trọng tâm. Trong đó, số lượt tiếp nhận người bệnh cấp cứu cao nhất tập trung vào các bệnh viện: Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Chấn thương Chỉnh hình, Bình Dân và ấn tượng hơn cả là các bệnh viện tuyến quận, huyện như Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Phú, quận 9, quận 2, quận 12.

Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, các bệnh viện hạt nhân trực thuộc sở thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới trên địa bàn; còn nâng cao năng lực chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh cho 28 bệnh viện vệ tinh (BVVT) của 22 tỉnh, thành phố phía nam thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, chuyển giao các gói kỹ thuật. Theo đó, các bệnh viện hạt nhân và BVVT được đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, trang bị thiết bị y tế, phương tiện chuyển tuyến, công nghệ thông tin để bảo đảm việc chuyển giao, tiếp nhận kỹ thuật có hiệu quả cao và bền vững. Về phạm vi chuyên môn, Sở chỉ đạo tập trung đầu tư vào năm chuyên khoa quá tải hàng đầu đối với các bệnh viện hạt nhân có công suất sử dụng giường bệnh quá cao: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi… để chuyển giao kỹ thuật cho BVVT. Kết quả các bệnh viện đã tổ chức hàng trăm lớp đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ y tế tuyến dưới. Qua đó đã có hàng chục nghìn người bệnh “yên tâm ở lại” các BVVT để điều trị.

Cũng tại Thủ Đức, mô hình phòng khám vệ tinh (PKVT) tại các xã, phường cũng đang phát huy hiệu quả. PKVT phường Hiệp Bình Chánh hiện có chuyên khoa: cấp cứu, khám nội, sản, nhi, răng hàm mặt, phục hồi chức năng - y học cổ truyền, mắt, da liễu, ngoại tổng quát, siêu âm, xét nghiệm, X-quang, lọc máu - thận nhân tạo. Ông Hứa Hớn Quyền (68 tuổi, phường Hiệp Bình Chánh) kể: “Ở đây, sử dụng bảo hiểm y tế luôn cho nên tiện lắm, tui đến đây chạy thận tuần ba lần, không mất công lên bệnh viện quận như trước, mà giá cả cũng vậy”. Hiện, Bệnh viện quận Thủ Đức đang triển khai thành lập PKVT tại 10 trạm y tế phường còn lại. Mỗi phòng khám sẽ có từ ba đến năm bác sĩ trực tiếp tham gia khám, điều trị và bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế tại chỗ. Đáng nói là trước đây, bệnh viện chỉ khám và chữa những bệnh thông thường, chủ yếu là “ký giấy chuyển viện” lên tuyến trên nhưng hiện nay bệnh viện đã thực hiện được những kỹ thuật cao như: mổ sọ não, thay khớp gối, khớp háng, can thiệp tim mạch, TACE (nút hóa chất động mạch) trong điều trị ung thư gan, hồi sức sơ sinh và nhi... Còn các kỹ thuật như chạy thận nhân tạo thì đã thành thường quy, để PKVT phường làm cũng rất tốt.

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh đánh giá, việc triển khai thực hiện Đề án BVVT là gắn thương hiệu của bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ của tuyến dưới. Việc chuyển giao kỹ thuật giúp bệnh viện tuyến dưới sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Đáng chú ý, giúp người nghèo, tầng lớp yếu thế, người nhập cư… được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng cao, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe và bảo đảm an sinh xã hội.

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/38207802-hieu-qua-trong-trien-khai-benh-vien-ve-tinh-o-tuyen-duoi.html