Hiệu quả Tổ Hợp tác đan dây nhựa ở xã Thới Hưng

Nắm bắt cơ hội và tổ chức dạy nghề đúng thời điểm, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ đã phát triển thành công mô hình Tổ Hợp tác đan dây nhựa. Dù chỉ là mô hình nghề gia công nhưng Tổ Hợp tác đã góp phần đem lại thu nhập rất hiệu quả cho nhiều hội viên phụ nữ địa phương.

Thành viên Tổ Hợp tác đan dây nhựa lao động tại nhà bà Nguyễn Thị Bích Lệ.

Thành viên Tổ Hợp tác đan dây nhựa lao động tại nhà bà Nguyễn Thị Bích Lệ.

Ghé thăm Tổ Hợp tác đan dây nhựa ở ấp 3, xã Thới Hưng, mới thấy niềm phấn khởi của nhiều chị em hội viên phụ nữ nơi đây. Không khí làm việc tất bật, hối hả nhưng không kém phần sôi nổi bởi những câu chuyện vui đùa và tiếng cười giòn giã của các chị đan xen. Theo bà Dương Thị Đẹp, Chủ tịch Hội LHPN xã Thới Hưng, mô hình đan dây nhựa phát triển từ năm 2015 đến nay và đã thành lập được Tổ Hợp tác đan dây nhựa với khoảng 105 chị em làm nghề”. Khởi đầu, nhờ một người quen giới thiệu, bà Nguyễn Thị Bích Lệ đi học nghề này ở công ty tại tỉnh Đồng Nai. Sau đó, chị mạnh dạn kết nối, đem sản phẩm về dạy nghề lại cho một số chị em hội viên xung quanh. Rồi lớp đào tạo nghề đan dây nhựa đầu tiên được tổ chức có 35 học viên, dần dà, số chị em đến xin học nghề và làm nghề ngày càng đông. Ngoài số lao động đến làm trực tiếp tại nhà bà Lệ và xưởng sản xuất, rất nhiều chị em lãnh nguyên liệu về nhà gia công. Với nguyên liệu được công ty chuẩn bị chu đáo, các thành viên Tổ Hợp tác đan theo mẫu mã được giao. Theo đó, các chị em có thể đan được nhiều sản phẩm: mặt bàn, ghế đẩu, ghế bành, ghế nằm tắm nắng,...

Chị Võ Thị Bích Lê, ngụ ấp 3, xã Thới Hưng, cho biết: “Tôi tham gia lớp học nghề đan dây nhựa 3 năm trước rồi làm luôn đến nay. Đan dây nhựa dễ, các chị em chịu khó đan kỹ, mặt dây mới thẳng đều và đẹp nhưng dễ bị đau tay, lâu rồi sẽ quen. Nghề này có thuận lợi là chị em rảnh giờ nào làm giờ đó, không ràng buộc về thời gian. Hằng ngày, tôi có thể lo cơm nước trong gia đình, đưa đón 2 con nhỏ đi học rồi tranh thủ làm. Làm lâu, quen tay, tôi có thể kiếm được từ 100.000-120.000 đồng/ngày”. Chị Trần Thị Nhiều cũng ngụ cùng ấp, tham gia Tổ Hợp tác đan dây nhựa được 2 năm nay. Trước đó, chị toàn đi làm thuê các việc làm cỏ, bỏ hột dưa hấu cho các chủ rẫy. Với nghề đan dây nhựa, chị đỡ phải chịu nắng mưa, vẫn có thể đảm bảo thu nhập mỗi ngày từ 80.000–120.000 đồng. Chị hy vọng nghề này được duy trì lâu dài để chị và các thành viên Tổ Hợp tác ổn định cuộc sống.

Tham gia đan dây nhựa còn có một số lao động nhỏ tuổi. Các em hỗ trợ các khâu cắt và đan dây nhựa. Em Võ Thị Bích Tuyền năm nay mới 13 tuổi nhưng đã có thâm niên 2 năm đan dây nhựa. Tuyền cho biết: “Đan dây nhựa khá dễ, học chừng 2 tuần là làm được. Hằng ngày, sau giờ học là em cùng các cô, các chị đan dây nhựa, phụ mẹ kiếm thêm thu nhập. Nhà em giờ có cha, mẹ, chị Hai và em cùng làm nghề này”.

Bà Dương Thị Đẹp, Chủ tịch Hội LHPN xã Thới Hưng cho biết: “Nhiều năm trước, chị em phụ nữ xã Thới Hưng chủ yếu cùng tham gia lao động nông nghiệp. Trong đó, nhiều chị quanh năm làm thuê với các việc: bao và hái trái cây, làm cỏ, bỏ hạt giống,… Để góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các chị vào mùa nông nhàn, Hội LHPN xã phát triển các mô hình may gia công, đan lục bình và đan dây nhựa. Trong đó, mô hình đan dây nhựa hiện đang thu hút lực lượng lao động đông nhất, tạo hiệu quả tăng thu nhập cho chị em rất rõ rệt”. Để tạo điều kiện phát huy hiệu quả mô hình nhiều hơn, bên cạnh tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Hội LHPN xã Thới Hưng hỗ trợ bà Lệ quản lý Tổ Phụ nữ tiết kiệm, góp vốn xoay vòng với khoảng 40 thành viên là các chị em phụ nữ cùng tham gia trong Tổ Hợp tác đan dây nhựa. Mỗi tháng Tổ tiết kiệm họp 1 lần, tùy số vốn góp vào, Tổ phát vay cho 3-5 chị/tháng, với số tiền từ 2-5 triệu đồng/chị. Đến nay, nhiều chị đã tự mua được máy bắn đinh, góp phần tăng công suất lao động, nâng cao thu nhập.

Bà Nguyễn Ngọc Thẩm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ: “Chúng tôi phát triển và củng cố 47 mô hình, tổ hợp tác ngành nghề ở các xã, thị trấn. Trong đó, Tổ Hợp tác đan dây nhựa ở xã Thới Hưng; Tổ Liên kết đan lục bình ở thị trấn Cờ Đỏ; mô hình đan lú ở ấp Thạnh Phú và tổ hợp tác cơm rượu ở 2 ấp Thạnh Phước, Thạnh Thạnh Phước 2 của xã Trung Thạnh,... phát huy hiệu quả khá tốt. Trong năm 2020, chúng tôi có kế hoạch phát triển Tổ Hợp tác sản xuất dưa chua ở xã Thạnh Phú lên hợp tác xã. Qua công tác phát triển các mô hình, tổ hợp tác ngành nghề, chúng tôi phấn đấu thực hiện mục tiêu mỗi xã, thị trấn có ít nhất một sản phẩm đặc trưng, tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều chị em hội viên”.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/hieu-qua-to-hop-tac-dan-day-nhua-o-xa-thoi-hung-a118290.html