Hiệu quả thiết thực từ những mô hình 'Dân vận khéo'

Những năm qua, song song với thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 9 còn chủ động phối hợp làm tốt công tác dân vận. Các đơn vị trong quân khu luôn khẳng định sự gắn bó máu thịt với nhân dân thông qua nhiều hoạt động giúp dân rất kịp thời, thiết thực.

Phương pháp thực hiện luôn được đổi mới, bám sát tình hình thực tế, từ đó ngày càng xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo”, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Những năm qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau như thiếu đất sản xuất, thiếu vốn… nên đời sống kinh tế của một số dân quân tự vệ (DQTV), dự bị động viên (DBĐV) ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre còn khó khăn, nhiều đồng chí phải đi làm ăn xa, việc huy động lực lượng này mỗi khi có nhiệm vụ không hề dễ. Từ thực tế trên, cuối năm 2015, Ban CHQS huyện Chợ Lách đã phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy Chợ Lách xây dựng mô hình “Vận động góp vốn gây quỹ hỗ trợ DQTV, DBĐV nghèo phát triển kinh tế, đời sống”.

Theo Thượng tá Trần Văn Nam, Chính trị viên Ban CHQS huyện Chợ Lách, để thực hiện mô hình, Ban CHQS huyện đã phát động cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện tự nguyện đóng góp mỗi người 10.000-20.000 đồng/tháng và kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ. Số tiền quyên góp được dùng hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi trường hợp để trồng hoa kiểng, chăn nuôi... Sau hai năm, số vốn đó lại được luân chuyển để hỗ trợ người khác. “Qua ba năm thực hiện mô hình, LLVT huyện đã vận động được hơn 87 triệu đồng, xem xét, hỗ trợ cho 17 đồng chí dân quân thuộc ban CHQS 8 xã, thị trấn có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giúp anh em an tâm công tác”, Thượng tá Trần Văn Nam cho biết.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh An Giang giúp dân thu hoạch lúa.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh An Giang giúp dân thu hoạch lúa.

Một trong những đối tượng được hỗ trợ và xây dựng mô hình làm ăn hiệu quả là anh Nguyễn Trường Lộc, dân quân ở ấp Chợ, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách. Từ nguồn vốn hỗ trợ 5 triệu đồng của Ban CHQS huyện, anh Lộc mua lan về trồng. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăm sóc nên vườn lan nhà anh phát triển tốt. Số tiền bán lan, anh đầu tư ươm thêm một số loại cây giống. Giờ đây mỗi tháng gia đình anh Lộc thu về khoảng 4 triệu đồng.

Đối với địa bàn có đông đồng bào các dân tộc thiểu số, tôn giáo, Quân khu 9 đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp tốt với ban dân vận cấp ủy địa phương nhằm tăng cường hoạt động công tác dân vận, trọng tâm là phát huy vai trò các chức sắc, chức việc, người có uy tín của các dân tộc, tôn giáo trong tuyên truyền, vận động tín đồ, phật tử luôn thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng nhiều mô hình công tác dân vận có sự tham gia tích cực của đồng bào tôn giáo, như: "Xóm đạo bình yên", "Tiếng chuông an ninh", "Liên gia tự quản", "Liên kết tứ trụ" trong gìn giữ an ninh trật tự tại địa phương... “Hàng năm, LLVT phối hợp tham mưu với cấp ủy địa phương bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho chức sắc, chức việc các tôn giáo. Nhân dịp lễ, tết, tổ chức các đoàn thăm, tặng quà các cơ sở thờ tự; đặc biệt là quân khu mời đại diện các dân tộc, tôn giáo về dự gặp mặt tất niên... Qua đó xây dựng tình cảm tốt đẹp, mối liên hệ gắn bó với các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong cộng đồng; thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình dư luận nhân dân, dân tộc, tôn giáo trên địa bàn, nhất là những địa bàn trọng điểm”, Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị, Quân khu 9 chia sẻ.

Với phương châm nắm chắc tình hình địa bàn, bám sát cơ sở, gắn bó với quần chúng nhân dân để triển khai công tác dân vận phù hợp, LLVT Quân khu 9 còn có nhiều mô hình mới, cách làm hay, mang lại hiệu quả cao. Điển hình như mô hình “Xây dựng Trung đội tự vệ ở Công ty TNHH Tỷ Xuân với 100% vốn nước ngoài” của Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Long. LLVT tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Tỷ Xuân thành lập được 4 trung đội và 1 ban CHQS tự vệ, quân số 128 đồng chí (có 26 đảng viên). Lực lượng này đã làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quyền lợi của công nhân; tích cực vận động công nhân không tham gia đình công, bãi công, lãn công gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Một ví dụ khác là ở TP Cần Thơ. Trước đây Đông Thắng là xã nằm trong tốp nghèo nhất huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ); phần đông dân cư là đồng bào dân tộc Khmer, cuộc sống khó khăn; những con đường đi vào xóm, ấp nhỏ hẹp, gồ ghề, mưa thì lầy lội, nhiều hộ dân không có điện sinh hoạt… Trước tình hình đó, Bộ CHQS TP Cần Thơ phối hợp Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thành phố chọn xã Đông Thắng làm điểm để đồng hành trong chương trình xây dựng nông thôn mới và khởi động mô hình “Tết quân-dân”. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Cờ Đỏ nhận định: “Việc Bộ CHQS TP Cần Thơ tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ về ăn tết cùng bà con và hỗ trợ nhân dân làm đường, xây nhà… đã giúp bộ mặt nông thôn của xã Đông Thắng có nhiều đổi thay tích cực; kết cấu hạ tầng cơ sở ngày càng hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Đến nay, thu nhập bình quân của nhân dân trong xã đạt 38,67 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,5%. Năm 2018, xã Đông Thắng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn một năm so với lộ trình đề ra”.

Theo Đại tá Phạm Văn Bước, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, công tác dân vận của LLVT Quân khu 9 đã hướng mạnh về cơ sở; nội dung, hình thức công tác dân vận phong phú, sát với tình hình nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, thực tiễn của địa phương. Thông qua Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, LLVT Quân khu 9 đến với nhân dân bằng tình cảm, trách nhiệm của người quân nhân cách mạng, giúp đỡ nhân dân những phần việc thiết thực, ý nghĩa và tiến hành công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiệu quả. Qua đó, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Các đơn vị thuộc Quân khu 9 đã phối hợp xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình “Dân vận khéo” như: "Tết quân-dân", "Xóm đạo bình yên", "Tiếng chuông an ninh", “Ấm tình quân dân”, “LLVT với giải quyết chính sách của Đảng, Nhà nước”, “Đối thoại chính sách với người có công”, “Ba sẵn sàng”… Chỉ tính riêng năm 2018, LLVT Quân khu 9 đã đăng ký và thực hiện hơn 700 mô hình “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực; tham gia xây dựng, củng cố 24.179 tổ an ninh tự quản ấp, khóm, tổ tự quản; 144 tổ tự quản đường biên, cột mốc. Huy động hơn 40.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng hơn 700km đường giao thông nông thôn, nạo vét 777km kênh mương; xây tặng 1.900 ngôi nhà tình nghĩa, tình đồng đội, nhà tình thương và nhà đại đoàn kết; sửa chữa, nâng cấp 1.908 nhà tạm, nhà dột nát; sửa chữa, xây mới 73 trường học và hỗ trợ hàng nghìn hộ dân về cây, con giống… Phối hợp tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 40.000 lượt người dân trong nước và nước bạn Campuchia.

THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hieu-qua-thiet-thuc-tu-nhung-mo-hinh-dan-van-kheo-582120