Hiệu quả thiết thực từ các sáng kiến ở Quân khu 7

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác, những năm qua, Đảng ủy Quân khu 7 và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thường xuyên quan tâm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, khắc phục tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị; tập trung cải tiến kỹ thuật, học cụ huấn luyện, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Từ năm 2009 đến nay, Quân khu 7 tổ chức 13 lần hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật ngành kỹ thuật quân khu; toàn quân khu có 3 đề tài và 112 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó 16 sáng kiến được công nhận cấp toàn quân.

Bộ đèn huấn luyện bắn súng bộ binh ban đêm điều khiển từ xa

Từ những khó khăn, hạn chế trong quá trình huấn luyện đêm, sản phẩm bộ đèn huấn luyện do Thượng úy Nguyễn Văn Khơn, Phó đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp bộ đội nhận biết rõ các mục tiêu khi tham gia huấn luyện đêm.

Bộ đèn huấn luyện bắn súng bộ binh ban đêm được cấu tạo gồm có: Hộp điều khiển dùng để điều khiển từ xa các hộp đèn với khoảng cách điều khiển khoảng 500m, sử dụng pin sạc có dung lượng 6.000 mAh có thể duy trì hoạt động trong thời gian 10 giờ. Hộp đèn dùng để nhận tín hiệu điều khiển từ hộp điều khiển, gồm 4 hộp đèn (2 hộp đèn nhấp nháy và 2 hộp đèn chiếu sáng) sử dụng cho 2 chế độ tập phân đoạn và tổng hợp. Chế độ tập phân đoạn dùng để tập lấy đường ngắm ban đêm; chế độ tập tổng hợp dùng để tập theo sát điều kiện từng bài bắn.

Thượng úy Nguyễn Văn Khơn, tác giả sáng kiến Bộ đèn huấn luyện bắn súng bộ binh ban đêm điều khiển từ xa.

Thượng úy Nguyễn Văn Khơn, tác giả sáng kiến Bộ đèn huấn luyện bắn súng bộ binh ban đêm điều khiển từ xa.

Các bài tập được áp dụng gồm: Bài 2 ban đêm các loại súng tiểu liên AK, trung liên, M79, đại liên. Trong quá trình huấn luyện đối với tập phân đoạn, các đèn nhấp nháy và đèn chiếu sáng được lắp lên các bia mục tiêu, người điều khiển chỉ việc sử dụng công tắc điều khiển các hộp đèn để tắt, mở các đèn kết nối tương ứng với các hộp đèn. Đối với chế độ tập tổng hợp, tùy theo bài bắn để bố trí các hộp đèn tương ứng với mục tiêu của bài bắn, từ đơn giản đến phức tạp.

Theo tác giả, quá trình hình thành ý tưởng đến hoàn thành sản phẩm từ 3 đến 6 tháng, qua nhiều lần thử nghiệm, thiết bị áp dụng được trong huấn luyện chiến đấu bộ binh bắn súng, ngoài ra có thể vận dụng trong nội dung chiến thuật để thể hiện các mục tiêu, bố trí sát điều kiện bài bắn, tháo lắp nhanh, dễ sử dụng và giúp người chỉ huy có thể điều khiển theo đúng ý định. Giá thành rẻ và các nguyên liệu, mạch điện, linh kiện để làm dễ tìm trên thị trường. Sáng kiến bộ đèn huấn luyện bắn súng bộ binh ban đêm điều khiển từ xa của Thượng úy Nguyễn Văn Khơn đã đạt giải 3 toàn quân năm 2022, hiện nay đã được ứng dụng trong công tác huấn luyện đêm trong toàn Sư đoàn 5 và các đơn vị trong LLVT Quân khu 7.

Phao cứu hộ điều khiển từ xa PĐK 01

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện bơi, bảo đảm an toàn cho cán bộ chiến sĩ khi tham gia làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống bão lũ, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn, Thiếu tá Bùi Phạm Hoàng Anh, trợ lý Quân báo, Ban CHQS huyện Đức Trọng, Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng đã nghiên cứu, chế tạo thành công “Phao cứu hộ điều khiển từ xa PĐK 01”.

Thiết kế sản phẩm Phao cứu hộ điều khiển từ xa PĐK 01.

Sáng kiến được cấu tạo gồm: Tay điều khiển DumBo có tác dụng phát tín hiệu điều tốc, điều hướng, điều khiển đèn báo hiệu ở cự ly 500m; bộ thu sóng RX dùng để thu tín hiệu điều khiển; bộ điều tốc 480a điều chỉnh tốc tộ, đảo chiều động cơ và 2 mô tơ không chổi than 12v 500W tạo mô xoắn cho chân vịt đẩy phao di chuyển; các ống nối PVC liên kết chứa các bộ phận và tạo lực nổi Acsimet; 2 chân vịt 3 cánh đường kính 15cm dùng tạo lực đẩy phao di chuyển; đèn led báo hiệu 12v chống nước, giúp cho người bị nạn chú ý và giúp người điều khiển định hướng trong điều kiện đêm tối, khó quan sát. Thiết bị được gắn 2 bình ắc quy 12v, cung cấp điện áp cho phao hoạt động.

Dụng cụ áp dụng nguyên lý, sử dụng ống PVC bịt kín để làm phao nổi, điều tốc, điều hướng phao di chuyển thông qua bộ điều khiển sóng RF. Ưu điểm của phao cứu hộ PĐK 01 (trọng lượng khoảng 15kg) có thể vận chuyển đến những vị trí như: Hồ, đập, sông, suối địa hình vùng cao, hiểm trở mà tàu, xuồng, ca nô không thể vận chuyển hoặc cơ động đến được. Sản phẩm có thể di chuyển ở dòng chảy lớn, chảy xiết (nếu sử dụng phao thường sẽ rất khó đến đúng vị trí người bị nạn, hoặc người cứu hộ bơi ra thì tốc độ chậm dẫn đến mất thời cơ, đồng thời khả năng mất an toàn rất cao). Đặc biệt khi sử dụng phao cứu hộ PĐK 01 bảo đảm an toàn cho bộ phận cứu hộ do không phải trực tiếp bơi ra, đồng thời có thể tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn, vận chuyển lương thực phẩm, thuốc men ở những vị trí mà ca nô, tàu xuồng không thể đến được.

Thiếu tá Bùi Phạm Hoàng Anh chụp hình lưu niệm tại khu trưng bày sản phẩm Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân lần thứ 22.

Giá thành sản xuất của sản phẩm khoảng 5.000.000 đồng phù hợp với điều kiện kinh tế của các đơn vị (so với các phao cứu sinh thông minh của nước ngoài, ví dụ của hãng Ocean AlphaDolphin (Hoa Kỳ) là 4.000 USD; hay của hãng Qing Dao ReLong Technology Quảng Đông, Trung Quốc chào bán trên thị trường có giá dao động từ 1.000 đến 4.000 USD với nhiều phiên bản). Thiết kế tương đối đơn giản, vật tư linh kiện sẵn có trên thị trường, khi hỏng hóc dễ sửa chữa và thay thế.

Sáng kiến của Thiếu tá Bùi Phạm Hoàng Anh đã đạt giải nhì tuổi trẻ sáng tạo toàn quân năm 2022.

THẾ ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hieu-qua-thiet-thuc-tu-cac-sang-kien-o-quan-khu-7-699132