Hiệu quả thiết thực từ áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật

Hằng năm, Kho KT887 (Cục Kỹ thuật Binh chủng, Tổng cục Kỹ thuật) triển khai và hoàn thành từ 15 đến 18 đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ (KHCN), sáng kiến cải tiến kỹ thuật (SKCTKT) và giải pháp hữu ích đưa vào ứng dụng, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng vật tư kỹ thuật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Giới thiệu về sáng kiến thiết kế, lắp ráp xe đứng kê xếp, lắp bạt bảo quản động cơ xe tăng-thiết giáp (TTG), Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Dân, nhân viên Đội 1, Phân kho A (Kho KT887), tác giả chính của đề tài khẳng định về hiệu quả của sản phẩm khi đưa vào áp dụng. Đó là, sáng kiến phục vụ tốt quá trình bảo quản, tiếp nhận, cấp phát, kiểm kê, kê xếp, che bạt, phủi bụi nhanh chóng, an toàn; nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, vật tư; giảm nhân công và bảo vệ môi trường. Có sáng kiến này là do quá trình tiếp nhận, cấp phát, bảo quản vật tư kỹ thuật ngành TTG, anh và nhân viên trong đội gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vì đứng trên thang, trên ghế… Từ đó, Nguyễn Văn Dân đề xuất nghiên cứu, lắp ráp xe đứng kê xếp, lắp bạt, bảo đảm cho từ 1 đến 2 nhân viên đứng trên xe làm nhiệm vụ. Sản phẩm có kết cấu vững chắc, hình thức đẹp, độ tin cậy hoạt động cao, ổn định, an toàn cho nhân viên khi làm việc. Xe đứng kê xếp, lắp bạt làm từ vật liệu sẵn có ở đơn vị, một số chi tiết dễ mua trên thị trường, giá thành phù hợp.

 Thủ kho vật tư tăng-thiết giáp Kho KT887 giới thiệu ứng dụng giá bảo quản vành răng tháp pháo xe tăng.

Thủ kho vật tư tăng-thiết giáp Kho KT887 giới thiệu ứng dụng giá bảo quản vành răng tháp pháo xe tăng.

Những năm qua, cán bộ, nhân viên Trạm Bảo dưỡng-Sửa chữa tổng hợp (Kho KT887) đã nghiên cứu, hoàn thành, đưa vào ứng dụng hàng chục SKCTKT có giá trị cao. Theo Thiếu tá Đoàn Ngọc Thắng, phụ trách Trạm Bảo dưỡng-Sửa chữa tổng hợp: Từ thực tế nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất vật tư kỹ thuật ngành TTG, tên lửa-khí tài đặc chủng (TL-KTĐC), trạm được trang bị nhiều thiết bị công nghệ mới, hiện đại, như dây chuyền bảo quản hóa, thiết bị gia công cơ khí CNC, các khí tài đo lường… Năm 2018, cán bộ, nhân viên của trạm, do Thiếu tá QNCN Đặng Văn Kiên chủ trì, đã nghiên cứu, hoàn thành đề tài chế tạo bộ điều chỉnh nhiệt độ dầu niêm động cơ, cụm máy. Trước khi mở đề tài, quá trình cấp nhiệt cho dầu niêm gặp nhiều khó khăn, nhân viên phải đứng giám sát, đóng ngắt nguồn điện kịp thời để bảo đảm nhiệt độ dầu theo quy định. Vì vậy, chất lượng dầu phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của nhân viên, nếu sơ xuất, dầu quá nóng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cần niêm… Từ thực tế trên, Thiếu tá QNCN Đặng Văn Kiên đã đề xuất đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo bộ điều chỉnh nhiệt độ dầu niêm động cơ, cụm máy, hoạt động tự động. Nhân viên vận hành chỉ cần kiểm tra hệ thống, cấp nguồn điện cho thiết bị, kiểm tra nhiệt độ qua đồng hồ và thực hiện niêm theo quy trình. Sản phẩm áp dụng đã nâng cao rõ rệt chất lượng bảo quản, niêm động cơ, cụm máy xe TTG, ô tô, xe máy; bảo đảm nhiệt độ duy trì ở tiêu chuẩn quy định; tiết kiệm thời gian, nhân viên không phải căng thẳng, an toàn lao động.

Cũng từ thực tế công tác, Thiếu tá QNCN Nguyễn Mạnh Thăng, nhân viên Phân kho B (Kho KT887) đã nghiên cứu, hoàn thành sáng kiến giá bảo quản vành răng tháp pháo xe tăng. Do các vành răng tháp pháo xe tăng to và nặng, nhân viên làm bảo quản tốn nhiều sức lực, mất nhiều thời gian, dễ mất an toàn. Áp dụng giá bảo quản vành răng tháp pháo xe tăng, giúp nhân viên, thủ kho nâng cao năng suất lao động, giảm sức lực, tiết kiệm thời gian, an toàn cao hơn. Giá được thiết kế để dễ cơ động đến các nhà kho, giúp thời gian vận chuyển nhanh hơn, tiện lợi trong bảo quản, niêm cất vành răng tháp pháo. Ngoài giá bảo quản vành răng tháp pháo xe tăng, Kho KT887 còn ứng dụng giá bảo quản các loại kính trên xe tăng do Thượng úy QNCN Nguyễn Phúc Chung, nhân viên Trạm Bảo dưỡng-Sửa chữa tổng hợp nghiên cứu thiết kế, chế tạo. Trước đây, để bảo quản các loại kính trên xe tăng, trạm phải cần nhiều người giữ ổn định cho kính cần bảo quản, do đó tốn sức lực, mất nhiều thời gian, dễ mất an toàn, sứt vỡ kính… Áp dụng giá bảo quản các loại kính trên xe tăng đã khắc phục được những khó khăn trên, đồng thời cho năng suất lao động cao, tiết kiệm thời gian, nhân lực, bảo đảm an toàn.

Đại tá Nguyễn Đình Hợp, Chính trị viên Kho KT887, đánh giá: Hiệu quả nghiên cứu KHCN, SKCTKT trong những năm qua của kho đạt được cao, góp phần giải quyết những vấn đề kỹ thuật phức tạp nảy sinh từ thực tiễn và khó khăn về vật tư bảo quản. Nhiều sáng kiến có giá trị kỹ thuật, kinh tế lớn, tiết kiệm cho đơn vị hàng trăm triệu đồng. Tính từ năm 2013 đến 2018, toàn kho đã hoàn thành 68 đề tài, SKCTKT và 11 giải pháp hữu ích, đưa vào áp dụng. Trong đó, có 12 sáng kiến xếp loại A, 8 sáng kiến xếp loại B, 6 sáng kiến xếp loại C cấp Cục Kỹ thuật Binh chủng; 2 sáng kiến đoạt giải nhì và 2 sáng kiến giành giải khuyến khích Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội… Hoạt động nghiên cứu KHCN, SKCTKT góp phần giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nâng cao chất lượng bảo quản vật tư kỹ thuật ngành TTG và TL-KTĐC.

Bài và ảnh: HƯƠNG HỒNG THU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hieu-qua-thiet-thuc-tu-ap-dung-sang-kien-cai-tien-ky-thuat-567129