Hiệu quả tái cơ cấu hoạt động thủy lợi

Với mục tiêu thực hiện tái cơ cấu hoạt động thủy lợi, trong 3 năm qua, ngành NN&PTNT đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi tưới tiêu cho cây trồng cạn và thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; bảo đảm an toàn hồ chứa và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ổn định sản xuất nông nghiệp.

Nhà thầu thi công đường cống thoát nước tuyến đê Hà Nam, TX Quảng Yên. Ảnh chụp tháng 5/2020.

Nhà thầu thi công đường cống thoát nước tuyến đê Hà Nam, TX Quảng Yên. Ảnh chụp tháng 5/2020.

Từ năm 2016 đến nay, nhờ vào việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi mà nguồn nước luôn được cung cấp đủ, đảm bảo cho việc sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích tưới trung bình hằng năm luôn đạt trên 54.000ha, chiếm khoảng 95% diện tích tưới.

Cùng với đó, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh toàn tỉnh cũng tăng từ 97,3% năm 2017 lên 98,72% trong 6 tháng đầu năm 2020. Quảng Ninh là một trong số ít tỉnh của cả nước hiện nay chủ động được nguồn nước tưới, đảm bảo nguồn nước cấp cho sản xuất công nghiệp và dân sinh.

Bên cạnh đó, với lợi thế của tỉnh về cây trồng trên cạn và nuôi trồng thủy sản, việc phát triển công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, công tác phát triển tưới tiết kiệm đối với cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh đã triển khai tại 7 địa phương với tổng quy mô gần 890ha.

Bước đầu, việc tưới tiết kiệm mang lại hiệu quả như: Năng suất, chất lượng sản phẩm cao vượt trội so với biện pháp tưới truyền thống. Sản phẩm bán ra thị trường là sản phẩm sạch được người tiêu dùng ưa chuộng, có sức tiêu thụ lớn.

Mô hình tưới nhỏ giọt tại Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà. Ảnh: Yến Vy

Ngoài ra, các công trình thủy lợi như kênh mương, đê điều cũng được đầu tư, chủ động kiên cố hóa nhằm nâng cao năng lực phòng chống thiên tai. Giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh sửa chữa, nâng cấp trên 248,2km kênh mương. Trong đó, có các tuyến đê quan trọng như: Đê Hà Nam (TX Quảng Yên), đê Quan Lạn (huyện Vân Đồn), đê Đồng Rui (huyện Tiên Yên)...

Qua đó, đáp ứng công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các công trình thoát nước được nạo vét, mở rộng hệ thống thoát nước; nâng công suất trạm bơm tiêu; thực hiện các giải pháp xử lý tiêu thoát nước chống ngập úng ở các khu dân cư tập trung, vùng thấp, trũng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), cùng với các kết quả đáng ghi nhận của việc tái cơ cấu hoạt động thủy lợi, vẫn còn những tồn đọng, vướng mắc cần giải quyết. Nhất là trong việc quản lý công trình thủy lợi, hiệu quả khai thác vẫn chưa được triệt để. Hệ thống thủy lợi mới chỉ khai thác được một phần nhỏ trong nông nghiệp, chưa đạt được kỳ vọng của người dân. Việc các công ty thủy lợi hoạt động theo phương thức đặt hàng vẫn cần nhiều hỗ trợ về tài chính, dẫn tới chất lượng quản trị của doanh nghiệp chưa cao.

Thêm vào đó, chất lượng cung cấp dịch vụ thấp, thiếu cơ chế để phát huy tiềm năng, lợi thế của đơn vị nên chưa thể tăng nguồn thu cho các đơn vị. Quá trình sử dụng nước thủy lợi trong nông nghiệp còn mang tính truyền thống, tức là cung cấp theo các đường kênh, ngạch nhỏ lẻ. Diện tích được áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm còn hạn chế. Đồng thời, việc đầu tư hạ tầng thủy lợi cho phục vụ nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt, công nghiệp chưa đáng kể.

Niềm vui của người dân xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, khi được đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến tận nhà theo chương trình PforR. Ảnh: Nguyên Ngọc

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục xây dựng phương án giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, dịch vụ thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh. Từ đó, làm cơ sở để thực hiện công tác đặt hàng quản lý, khai thác bảo vệ công trình thủy lợi đảm bảo phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, ban hành quy định cụ thể mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Sở cũng sẽ đẩy nhanh triển khai xây dựng điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật; xây dựng tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp quản lý khai thác đối với 5 công trình cấp nước tập trung thuộc Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo vốn vay của Ngân hàng Thế giới (Chương trình PfoR).

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020; phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm 2020 và các năm trước chuyển sang trước ngày 30/9/2020. Ngành NN&PTNT tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 99%.

Đối với việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, giai đoạn 2021-2025, dự kiến các tuyến đê cấp V đã bị hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo khả năng chống bão lũ trên địa bàn tỉnh sẽ được cải tạo, nâng cấp. Phấn đấu đến giai đoạn 2025-2030, xây mới các tuyến đê bảo vệ các khu đô thị, KCN Đầm Nhà Mạc, KKT ven biển TX Quảng Yên. Đồng thời, nâng cấp đối với các tuyến đê có nhiệm vụ bảo vệ những khu dân cư đông đúc, khu kinh tế quan trọng ở các địa phương như: Đông Triều, Uông Bí, Hải Hà, Móng Cái.

Hoàng Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202009/hieu-qua-tai-co-cau-hoat-dong-thuy-loi-2500756/