Hiệu quả quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện tại cộng đồng

ĐTO - Thời gian qua, thực hiện mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng”, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phân công nhiệm vụ cho từng ngành, tổ chức chính trị - xã hội quản lý, giáo dục và giúp đỡ từng người nghiện. Qua đó góp phần giúp nhiều người nghiện trong diện quản lý có chuyển biến tốt, kéo giảm tình hình tệ nạn xã hội liên quan đến ma túy trên địa bàn.

Xã đoàn An bình A (TX.Hồng Ngự) đến gia đình đối tượng nghiện ma túy tuyên truyền, tư vấn trợ giúp

Xã đoàn An bình A (TX.Hồng Ngự) đến gia đình đối tượng nghiện ma túy tuyên truyền, tư vấn trợ giúp

Là 1 trong 3 địa phương được chọn làm điểm của tỉnh, UBND TX.Hồng Ngự chọn xã An Bình là xã điểm để thực hiện mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng dân cư”. Đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thị xã, UBND các xã, phường phối hợp thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy đến nhiều đối tượng. Tại xã An Bình A, UBND xã cũng lập Kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện mô hình. Sau khi rà soát, Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc lập danh sách quản lý, giáo dục, giúp đỡ 36 người nghiện ma túy và phân công cụ thể cho từng ngành, tổ chức chính trị - xã hội xã quản lý, giáo dục người nghiện ma túy.

Đến nay, có 12 người có biểu hiện chuyển biến tốt, thanh loại 18 đối tượng. Năm 2020 rà soát, bổ sung mới thêm 18 đối tượng và đã lập hồ sơ theo Nghị định 111 của Chính phủ để quản lý. Hiện xã đang quản lý 36 đối tượng. Theo đánh giá của UBND TX.Hồng Ngự, mô hình “Quản lý, giáo dục người nghiện ma túy tại cộng đồng dân cư” đã góp phần kiểm soát, kiềm chế được người nghiện; hạn chế người nghiện tái sử dụng chất ma túy, kéo giảm tình hình tội phạm liên quan đến ma túy trên địa bàn. Cuối năm 2019, UBND thị xã đã nhân rộng mô hình tại 4/7 xã, phường trên địa bàn.

Mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” được UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan triển khai thực hiện điểm tại 3 xã: Mỹ Tân (TP.Cao Lãnh), An Bình A (TX.Hồng Ngự) và Tân Khánh Đông (TP.Sa Đéc) vào cuối tháng 10/2018. Trong quá trình thực hiện, Công an tỉnh phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn thường xuyên khảo sát, nắm bắt tình hình tại các xã điểm để kịp thời hướng dẫn địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời đề xuất cho 11 người nghiện ma túy vay vốn từ “Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng” với tổng số 345 triệu đồng, trong đó có 2 trường hợp ở xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc được vay mỗi trường hợp 50 triệu đồng để trồng hoa kiểng.

Công an tỉnh còn phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tọa đàm chuyên đề về phòng ngừa ma túy, hậu quả tác hại của ma túy và các chính sách có liên quan đến việc cai nghiện ma túy. Tỉnh đoàn tổ chức 3 hoạt động tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tác hại của việc sử dụng ma túy tại 3 xã điểm; ra quân chiến dịch hè tại xã Mỹ Tân, tổ chức sinh hoạt chuyên đề phòng, chống ma túy, tổ chức giải bóng đá tuyên truyền pháp luật mỗi tháng 1 kỳ; tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Sức sống trẻ lồng ghép tuyên truyền phòng, chống ma túy tại xã Tân Khánh Đông; phối hợp với UBND xã An Bình A tổ chức tuyên truyền và gặp gỡ trực tiếp các đối tượng trong diện quản lý để giáo dục, cảm hóa.

Đồng thời, Công an tỉnh cũng có Công văn hướng dẫn Công an các huyện còn lại của tỉnh triển khai thực hiện mô hình này. Từ đó, Công an các huyện tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình điểm, qua đó đã chọn 10 xã, thị trấn để triển khai thực hiện điểm gồm: xã Bình Hàng Tây (huyện Cao Lãnh), xã An Phước (huyện Tân Hồng), thị trấn Thanh Bình (huyện Thanh Bình), xã Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự), xã Vĩnh Thới và Long Thắng (huyện Lai Vung), xã Tân Nhuận Đông (huyện Châu Thành), xã Mỹ An (huyện Tháp Mười), thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông), xã Vĩnh Thạnh (huyện Lấp Vò). UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên theo dõi, tiếp xúc với những đối tượng nghi sử dụng hoặc trong diện quản lý để trao đổi, tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ vốn vay, giới thiệu việc làm... giúp các đối tượng nghiện chuyển biến nhận thức, quyết tâm cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng.

Qua hơn 1 năm triển khai, mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” đã góp phần kéo giảm số đối tượng nghiện ma túy. Theo thống kê của Công an tỉnh đến ngày 9/3/2020, tại 3 xã điểm thực hiện mô hình đã giúp đỡ 35/112 người nghiện chuyển biến tốt; thanh loại khỏi diện quản lý 34 đối tượng; hiện đang quản lý 78 đối tượng. Riêng 204 người nghiện ma túy đưa vào quản lý của 10 xã, thị trấn tại các huyện còn lại của tỉnh, thời gian qua đã loại khỏi danh sách 39 người (22 người cai nghiện bắt buộc, 16 người bỏ địa phương, 1 người bị khởi tố). Hiện các địa phương đang quản lý, giáo dục 165 người, trong đó có 53 người chuyển biến tốt (chiếm 32,12%); tiếp tục quản lý, giáo dục 112 người (chiếm 67,88%).

LÊ THANH

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/hieu-qua-quan-ly-giao-duc-giup-do-nguoi-nghien-tai-cong-dong-89905.aspx